Thách thức với nguồn cung dầu mỏ

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến, trong bối cảnh giá "vàng đen" leo thang và Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Quyết định của OPEC+ được hy vọng sẽ giúp hạ nhiệt giá năng lượng, khi có thể phần nào bù đắp khoảng trống nguồn cung từ Nga do lệnh cấm của EU.

Biểu trưng của OPEC tại trụ sở chính ở Vienna, Áo tháng 6/2018 (Ảnh minh họa: Reuters).
Biểu trưng của OPEC tại trụ sở chính ở Vienna, Áo tháng 6/2018 (Ảnh minh họa: Reuters).

Cuộc họp trực tuyến của OPEC+ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thị trường cân bằng và ổn định, do đó tổ chức này quyết định sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày. Ðây là quyết định không dễ dàng bởi OPEC+ đang ở trong tình thế phải cân bằng áp lực tăng sản lượng và mối quan hệ với Nga, một thành viên quan trọng trong nhóm. Với thoả thuận này, OPEC+ muốn giảm bớt sức ép lên thị trường dầu mỏ thế giới mà không tăng sản lượng đến mức tổn hại lợi ích của Nga.

Nhà trắng đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định mới nhất của OPEC+ về việc tăng sản lượng bởi thỏa thuận này góp phần làm dịu căng thẳng nguồn cung dầu mỏ vốn đẩy giá nhiên liệu ở Mỹ tăng mạnh. Giá dầu gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, sau khi EU đạt đồng thuận về lệnh cấm vận đối với phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga.

Theo đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, đồng thời giải quyết những bế tắc trong đàm phán với Hungary về gói trừng phạt được cho là nghiêm ngặt nhất của EU nhằm vào Moskva. Các nước thành viên EU đã nhất trí từ bỏ mua dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng hơn 2/3 tổng khối lượng nhập khẩu của khối.

13 thành viên OPEC và 10 đối tác đã giảm mạnh sản lượng dầu thô vào năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do đại dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa trên toàn cầu.

Trước sự hối thúc của các quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, các nước OPEC+ đã tăng nhẹ sản lượng lên mức 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, trước căng thẳng về nguồn cung, giá dầu đang hướng tới mức cao kỷ lục hồi tháng 3. Bên cạnh đó, tiến trình mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu mỏ. Trong tháng 3, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và đã tăng hơn 55% từ đầu năm đến nay.

Quyết định tăng mạnh sản lượng dầu lần này của OPEC+ nhằm bù đắp khoảng trống nguồn cung dầu mỏ từ Nga do lệnh trừng phạt của EU. Washington công nhận vai trò quan trọng của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq trong việc thúc đẩy đạt được sự đồng thuận tăng sản lượng dầu mỏ mới nhất này. Tuy nhiên, động thái nêu trên được cho là chưa đủ để ổn định giá dầu. Việc EU cắt phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ gây xáo trộn đáng kể thị trường thế giới, đồng thời gây ra nhiều thiệt hại cho cả hai bên.

Thị trường "vàng đen" đã chịu cú sốc lớn do EU phải tăng cường mua dầu mỏ từ các nước khác để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2022, các nước EU và Anh dự báo sẽ tiêu thụ 13,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 13,6% nhu cầu của toàn thế giới. Việc tăng sản lượng của OPEC+ được các nước tiêu thụ nhiều năng lượng, trong đó có Mỹ và châu Âu hoan nghênh, song các thành viên trong tổ chức này lại lo ngại lúc giá dầu giảm mạnh sẽ khiến họ rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách đột ngột, như từng xảy ra cách đây mấy năm.

Ngoài tác động từ thỏa thuận của EU về cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn rất khó lường vì tác động của nhiều biến số. Các nước tiêu thụ dầu mỏ vẫn chật vật trong bài toán bảo đảm nguồn cung, trong khi triển vọng chưa rõ ràng của tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là những yếu tố không nhỏ chi phối sự ổn định của thị trường "vàng đen" ■