Thách thức với ngành nông nghiệp châu Âu

Ngành nông nghiệp châu Âu đang lao đao trước các hình thái thời tiết cực đoan, từ khô hạn kéo dài cho đến mưa lũ, với sản lượng lương thực sụt giảm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi mùa màng thất thu.
0:00 / 0:00
0:00
Mực nước xuống thấp tại một hồ ở Belmez, Tây Ban Nha. (Ảnh Reuters)
Mực nước xuống thấp tại một hồ ở Belmez, Tây Ban Nha. (Ảnh Reuters)

Sông ngòi khô cạn, đất đai nứt nẻ, cây trồng còi cọc... là những hình ảnh thường trực tại Tây Ban Nha nhiều tháng qua. Số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, sản lượng dầu ô-liu đã giảm 55% trong mùa vụ năm 2022-2023, xuống còn 660 nghìn tấn, so với con số 1,48 triệu tấn trong mùa vụ năm 2021-2022. Hiệp hội Các nhà sản xuất dầu ăn đóng chai của Tây Ban Nha cho biết, ngành sản xuất dầu ô-liu bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hạn hán, khủng hoảng kinh tế và cuộc xung đột ở Ukraine.

Tình hình tồi tệ đến mức một số nông dân đã tính đến phương án không gieo trồng nữa. Thế nhưng, sau đợt nắng nóng kéo dài, mưa lớn xối xả tại một số vùng ở Tây Ban Nha vào cuối tháng 5/2023 lại dẫn đến tình trạng ngập lụt. Giới chuyên gia nhận định, lượng mưa quá lớn, gió mạnh và sự thiếu ánh nắng mặt trời cũng gây ra vấn đề với các loại cây trồng theo mùa.

Trong khi đó, tại Italia, tài nguyên nước đang giảm xuống mức thấp đáng báo động. Viện Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng khoảng 20% diện tích của nước này trong năm 2022. Cũng trong năm ngoái, hạn hán khiến sản lượng dầu ô-liu của Italia giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Còn tại Pháp, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này tuy cho rằng Pháp chưa ghi nhận mối lo ngại lớn nào về nguy cơ mùa màng bị phá hủy do hạn hán, song cũng thừa nhận, lượng nước ngầm đang ở mức thấp tại hầu hết các địa phương trên toàn đất nước cũng là vấn đề lớn với an ninh nguồn nước.

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến hạn hán kéo dài, tạo điều kiện lý tưởng cho cháy rừng lan rộng và gây ra nhiều thiệt hại ở châu Âu. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Âu hiện là lục địa ấm lên nhanh nhất trên thế giới khi nền nhiệt tăng với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980. Hệ lụy của các diễn biến thời tiết cực đoan là sản lượng lương thực giảm, kéo theo giá lương thực duy trì ở mức cao và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tại Tây Ban Nha, giá một chai dầu ô-liu đã tăng khoảng 60% vào năm 2022. Vốn dĩ ban đầu việc tăng giá là do tình trạng khan hiếm dầu thực vật liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, song sau đó, lạm phát leo thang, hạn hán kéo dài đã đẩy giá dầu ô-liu lên cao.

Trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan diễn ra ngày một thường xuyên, các chính phủ đang nỗ lực tìm cách ứng phó, bảo vệ ngành nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha đã gửi thư tới Cao ủy phụ trách nông nghiệp của EU để đề nghị khối này hỗ trợ khẩn cấp cho những nông dân khốn đốn vì mùa màng thất thu. Chính phủ Tây Ban Nha cũng phê chuẩn gói biện pháp trị giá hơn hai tỷ euro để vực dậy lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài các biện pháp về chính sách nông nghiệp chung trị giá 784 triệu euro, gói hỗ trợ còn bao gồm các khoản viện trợ trực tiếp cho nông dân và chủ trang trại, thông qua hỗ trợ thuế, tài chính, lao động, các lĩnh vực thủy lợi... Trong khi đó, Italia đề ra kế hoạch xây dựng thêm các hồ chứa để dự trữ nước, khẩn trương sửa chữa và bảo trì các đường ống bị rò rỉ, xem xét việc chuyển đổi giống cây trồng tại các khu vực ngày càng khô hạn, tăng hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu khiến châu Âu ngày càng nóng, khô và phải đương đầu với các hình thái thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn. Các quốc gia châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sàng, chủ động ứng phó để bảo đảm an ninh nguồn cung lương thực và tính liên tục của hoạt động sản xuất.