Thách thức với kế hoạch chuyển đổi xanh của Đức

Đức đang nỗ lực tăng tốc trên hành trình hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trầm trọng nguồn lao động lành nghề là rào cản đối với quá trình chuyển đổi xanh của quốc gia châu Âu này.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt các tấm pin mặt trời ở Haltern am See, Đức. (Ảnh: REUTERS)
Lắp đặt các tấm pin mặt trời ở Haltern am See, Đức. (Ảnh: REUTERS)

Công ty phát triển năng lượng gió SL Naturenergie của Đức đã tuyển dụng vị trí nhân viên cao cấp phát triển dự án trong hai năm qua mà không thành công. Công ty này cũng phải tìm mọi cách để lấp đầy các vị trí việc làm quan trọng còn đang bỏ trống.

Sự khó khăn trong tuyển dụng nhân sự của SL Naturenergie chính là tình trạng chung mà các công ty năng lượng ở Đức đang phải đối mặt. Theo một nghiên cứu, nước Đức hiện thiếu khoảng 216 nghìn lao động lành nghề để làm việc trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió, như thợ điện, chuyên gia về sưởi ấm và làm mát, chuyên gia khoa học máy tính…

Theo kết quả khảo sát đối với 744 công ty của Đức do Viện Kinh tế Đức thực hiện, khoảng 50% số công ty được hỏi kỳ vọng nhân viên của họ có thêm các kỹ năng xanh vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi xanh. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các công ty đang gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn nhân lực. Khoảng 60% số công ty được hỏi nhận định rằng, nỗ lực chuyển đổi xanh của họ bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu hụt nhân công lành nghề. Nhiều ngành, nghề cần công nhân có các kỹ năng như bảo trì và sửa chữa xe điện, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà… đứng trước lỗ hổng nhân sự trầm trọng.

Ngày càng nhiều người dân Đức bày tỏ ủng hộ quốc gia châu Âu này chuyển sang nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Khoảng 159 nghìn hệ thống quang điện mặt trời dành cho các hộ gia đình đã được đưa vào hoạt động trên khắp nước Đức trong quý I/2023, tăng 146% so với năm trước đó.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Môi trường liên bang Đức (UBA), nhiều người dân coi biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng. 61% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho đảng nào có chính sách thân thiện với môi trường; 36% cho biết sẽ quyên góp tiền cho các tổ chức môi trường. Chính phủ Đức mới đây cũng thông qua chiến lược hydro cập nhật, đưa ra hướng dẫn cho sản xuất hydro và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Đức đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% lượng điện tiêu thụ ở quốc gia này đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặc dù hàng loạt biện pháp được Chính phủ Đức triển khai quyết liệt để mở rộng phát triển năng lượng tái tạo, từ ban hành quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, cho tới hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tăng cường hợp tác với các đối tác, hiện đại hóa mạng lưới truyền tải điện..., song sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn là bài toán khó.

Theo hãng Reuters, việc khai thác nguồn nhân lực từ sinh viên mới ra trường cũng gặp khó, bởi những người trẻ dù rất thích các ý tưởng liên quan đến chuyển đổi xanh nhưng lại không hào hứng học về các ngành như năng lượng tái tạo, kỹ thuật cơ khí… Giáo sư Volker Quaschning tại Đại học HTW ở Berlin cho biết, các khóa học về lĩnh vực năng lượng tái tạo ở HTW đều bị bỏ trống đến một phần ba suất học do không thu hút đủ học viên.

Quốc hội Đức gần đây thông qua luật nhập cư mới nhằm nhanh chóng bổ sung lực lượng lao động, vốn đang rất thiếu hụt và tạo áp lực cho nền kinh tế. Chuyển đổi xanh là một quá trình lâu dài và tốn kém, đòi hỏi nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Các chuyên gia khẳng định, để không cản trở quá trình chuyển đổi xanh, việc bảo đảm đủ lực lượng nhân công lành nghề là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ và doanh nghiệp.