Thách thức lớn với tân Tổng thống Sri Lanka

Phát biểu ngay sau khi được bầu làm Tổng thống Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe thừa nhận, đất nước đang đối mặt những thách thức lớn. Tân Tổng thống quốc đảo Nam Á nhấn mạnh, đoàn kết là nhiệm vụ cấp bách, là chìa khóa đưa Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Ranil Wickremesinghe khi đương nhiệm chức Thủ tướng Sri Lanka. (Ảnh: Reuters)
Ông Ranil Wickremesinghe khi đương nhiệm chức Thủ tướng Sri Lanka. (Ảnh: Reuters)

Trong một cuộc bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ, Quốc hội Sri Lanka gồm 225 thành viên ngày 20/7 đã tiến hành bầu tổng thống thay thế ông Gotabaya Rajapaksa, người tuyên bố từ chức hồi tuần trước. Là chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, ông Wickremesinghe từng sáu lần đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Sri Lanka. Ông trở thành quyền Tổng thống theo quy định của Hiến pháp Sri Lanka sau khi ông Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước. Tân Tổng thống Wickremesinghe sẽ đảm nhận chức vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, đến tháng 11/2024.

Nhiệm vụ trước mắt với Tổng thống Wickremesinghe được đánh giá là rất nặng nề và phức tạp khi phải cùng lúc giải quyết nhiều bài toán kinh tế, chính trị tại quốc đảo Nam Á. Sri Lanka cần khoảng 5 tỷ USD trong sáu tháng tới để có thể trang trải những nhu cầu thiết yếu của 22 triệu dân, những người đã phải trải qua nhiều tháng thiếu lương thực, thuốc men, nhiên liệu và mất điện kéo dài. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 5 triệu người, tương đương 22% dân số Sri Lanka, cần viện trợ lương thực. Trong 12 tháng, tính đến tháng 6/2022, lạm phát lương thực ở Sri Lanka vượt ngưỡng 80%.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết, nền kinh tế quốc đảo Ấn Ðộ Dương có thể sẽ suy giảm hơn 6% trong năm 2022 do bất ổn chính trị và xã hội. Hồi tháng 4/2022, lần đầu trong lịch sử, Chính phủ Sri Lanka thông báo không thể thanh toán các khoản nợ nước ngoài, với tổng trị giá 51 tỷ USD. Tháng 6/2022, ông Ranil Wickremesinghe, khi đó còn trong vai trò Thủ tướng Sri Lanka, thừa nhận nền kinh tế quốc đảo đã sụp đổ khi không còn ngân sách để chi trả những mặt hàng thiết yếu nhất.

Hai ngày trước khi được bầu chính thức làm Tổng thống Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe thông báo các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã gần đi đến hồi kết, trong khi các cuộc thương lượng về viện trợ nước ngoài cũng đạt được tiến bộ. Ðây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế quốc đảo, bởi kể từ khi tuyên bố "chính thức vỡ nợ", Sri Lanka buộc phải đàm phán về gói cứu trợ khẩn cấp với tư cách "nền kinh tế phá sản", chứ không phải nước đang phát triển như trước nữa.

Người phát ngôn của IMF cho biết, tổ chức tài chính này quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka đối với người dân quốc đảo, đặc biệt là đối với những người nghèo và dễ bị tổn thương. IMF theo dõi sát diễn biến tại Sri Lanka, đồng thời hy vọng quốc đảo sớm giải quyết được bất ổn để có thể nối lại đàm phán về chương trình viện trợ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, bất kỳ hỗ trợ nào từ IMF hay các đối tác của Sri Lanka đều đi kèm các điều kiện nghiêm ngặt, để bảo đảm nguồn viện trợ được quản lý một cách hiệu quả.

Chính phủ Sri Lanka cũng đẩy mạnh thực hiện các bước cứu trợ nền kinh tế thông qua giảm giá bán lẻ nhiên liệu và giá điện, nối lại hoạt động vận chuyển các lô hàng nhiên liệu từ nước ngoài.

Ngày 16/7, lô hàng nhiên liệu đầu tiên đã cập bến quốc đảo sau bao ngày trông ngóng của người dân. Ðêm 17/7, Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Ceylon (CPC) của Sri Lanka thông báo giảm giá bán lẻ nhiên liệu. Bộ Ðiện lực và Năng lượng Sri Lanka triển khai hệ thống kỹ thuật số mới để phân phối nhiên liệu.

Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của Tổng thống Ranil Wickremesinghe là phải khôi phục niềm tin của người dân vào chính phủ trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Văn phòng Tổng thống Sri Lanka tuyên bố, tân Tổng thống sẽ làm việc với lực lượng người biểu tình ôn hòa nhằm cùng tìm ra giải pháp cho những thách thức mà quốc gia Nam Á đang đối mặt. Nhấn mạnh cam kết chính phủ sẽ xây dựng một chiến lược mới để đáp ứng nguyện vọng của người dân, ông Wickremesinghe truyền thông điệp rằng, đoàn kết sẽ là động lực giúp đất nước vượt qua sóng gió hiện nay.