Thạch đen - “báu vật" giúp người dân Tràng Định xóa đói, giảm nghèo

NDO - Thạch đen là cây trồng lâu năm của bà con các dân tộc huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay, diện tích trồng cây thạch đen được duy trì ổn định từ 1.300 đến 2.000 ha, đạt giá trị từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha, giúp người dân nơi đây mỗi năm thu từ 180 tỷ đồng đến 250 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Cây thạch đen được trồng, phát triển ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Tràng Định, nhưng tập trung trồng nhiều nhất ở các xã như: Kim Đồng, Tân Tiến, Vĩnh Tiến, Cao Minh, Khánh Long, Đoàn Kết…

Thạch đen - “báu vật" giúp người dân Tràng Định xóa đói, giảm nghèo ảnh 1

Kiểm tra chất lượng thạch đen, trước khi đưa vào xưởng chế biến ở Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý.

Cây chủ lực xóa đói, nghèo

Những ngày đầu tháng 8, đến với các thôn bản vùng cao xã Kim Đồng, nhìn dưới các tán rừng tự nhiên, chân đất ruộng tại các cánh đồng lúa, đất bãi bồi ven sông, ở đâu cũng thấy người dân đang khẩn trương thu hoạch cây thạch đen vụ hè thu. Chị Đinh Thị Tuyên, ở thôn Nà Pàn (xã Kim Đồng) vui vẻ cho biết, năm nay, gia đình trồng hơn một mẫu cây thạch đen, thu được khoảng 2,5 tấn lá thạch khô. Hiện, gia đình đã thu hoạch xong, phơi, sấy khô, chỉ chờ tư thương đến xem hàng được giá là bán luôn, ước thu được khoảng 80 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Tuyên chia sẻ, trước đây cuộc sống khó khăn vất vả do người dân trồng lúa trên vùng đồi núi, năng suất thấp. Từ năm 2000, người dân bắt đầu trồng thạch đen, thu nhập tăng gấp 3 lần so trồng lúa, hàng chủ yếu bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng thô, cho nên giá cả bấp bênh.

Từ năm 2021 đến nay, cây thạch đen đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp đều bao tiêu hết với giá 30.000-40.000 đồng/kg tùy chất lượng. Gia đình chị Tuyên có cuộc sống ấm no, sung túc hơn trước rất nhiều. Chị Tuyên còn đứng ra thu gom thạch đen cho các hộ gia đình trong thôn bản.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Đồng, Hoàng Văn Quyết cho biết, xã có diện tích trồng thạch đen lớn nhất huyện với hơn 240ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.300 tấn/ha. Các hộ dân trong xã đều trồng từ 2 sào đến 1 mẫu thạch đen. Một sào cho thu hoạch 250 đến 350kg lá thạch khô, cho thu nhập từ 70 triệu đến 100 triệu đồng.

Có nhiều hộ thu nhập một vụ từ cây thạch đen đã được hàng trăm triệu đồng trở lên. Cây thạch đen trở thành cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Để bảo đảm chất lượng cho cây thạch đen xuất khẩu, xã đã được cấp 14 mã vùng trồng và có 14 tổ hợp tác xã đứng ra liên kết thu gom tiêu thụ sản phẩm...

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây thạch đen ở xã Kim Đồng, từ năm 2017, ông Hà Đức Quý đã quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý. Xưởng sản xuất, chế biến và thu mua thạch đen đặt ngay trên địa bàn xã Kim Đồng. Ông Quý cho biết, đến cuối năm 2019, công ty hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại với trị giá 30 tỷ đồng với diện tích nhà xưởng rộng hơn 5.000m2. Từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, công ty thu mua 2 tấn thạch đen. Đến nay, công ty đã thu mua hơn 700 tấn thạch, sản xuất gần 800 tấn bột thạch xuất khẩu sang các nước: Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc…

Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty đã trang bị thêm nồi nấu, hoạt động 24/24 giờ, năng suất thu mua cây thạch tăng lên, đạt 4 tấn/ngày, tạo ra bốn sản phẩm gồm: bột thạch đen, (đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP), thạch trắng, cao linh quy... Nhờ hoạt động hiệu quả, doanh thu của công ty đạt 200 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, công ty còn tạo việc làm cho 50 lao động người địa phương, bao tiêu thạch đen khô cho bà con với giá ổn định để xuất bán sang Trung Quốc. Thời gian tới, công ty dự định mở rộng nhà xưởng hướng đến thu mua toàn bộ cây thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định; đầu tư máy móc để chế biến bã thạch thành phân bón vi sinh, phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Thạch đen - “báu vật" giúp người dân Tràng Định xóa đói, giảm nghèo ảnh 2

Lãnh đạo Ban Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý kiểm tra sản phẩm bột thạch đen để đem xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Cơ hội mở rộng phát triển cây thạch đen

Cây thạch đen được chế biến thành đồ uống giải khát, chế biến thành thạch đen tươi đóng hộp và bột thạch. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có 6 cơ sở chế biến thạch ăn liền đóng hộp, hằng năm tiêu thụ khoảng 80 tấn nguyên liệu thạch khô và trung bình sản xuất từ 1.800 đến 2.000 hộp/ngày, đem lại giá trị kinh tế và thu nhập cho các cơ sở sản xuất khoảng 15 tỷ đồng/năm. Thạch ăn liền được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên và một số tỉnh miền nam.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen của huyện Tràng Định. Từ đầu tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm thạch đen.

Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, Vũ Đức Thiện cho biết, đầu năm 2021, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết "Về xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây thạch đen giai đoạn 2021-2030".

UBND huyện Tràng Định đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: từ nay đến năm 2025, mở rộng diện tích trồng cây thạch đen từ 2.500ha đến 4.000ha; 100% các hộ gia đình trồng thạch đen thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật, khoa học công nghệ để trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; xây dựng mã vùng trồng thạch đen; xây dựng chuỗi sản xuất thạch đen theo tiêu chuẩn xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tuyên truyền đến người dân về các nội dung: kỹ thuật trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản cây thạch đen; các quy định theo Nghị định thư…

Thạch đen - “báu vật" giúp người dân Tràng Định xóa đói, giảm nghèo ảnh 3

Cơ sở sản xuất hộ kinh doanh Hà Thị Tuyết Nhung, ở thị trấn Thất Khê (Tràng Định), mỗi ngày sản xuất chế biến hơn 2.000 hộp thạch ăn liền phục vụ các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định, Nông Thị Kim Oanh cho biết, từ năm 2021 đến nay, đã có 5.469 hộ trồng thạch tại 21 xã, với diện tích trồng 1.868ha tương đương 74,7% kế hoạch (kế hoạch trồng 2.500ha), sản lượng ước đạt 10,3 nghìn tấn. Về cấp mã số vùng trồng, cơ quan chuyên môn của huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp 104 mã tại 15 xã với diện tích hơn 505ha; hoàn thiện hồ sơ cấp mã số cơ sở đóng gói cho 58 hộ dân, doanh nghiệp hợp tác xã.

Đến nay, hầu hết người dân đã nắm rõ quy trình kỹ thuật sản xuất thạch đen và các nội dung theo Nghị định thư. Nhờ đó, chất lượng thạch đen ngày càng cao, đáp ứng tốt các tiêu chí để xuất khẩu chính ngạch, đến các thị trường như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia... Trong thời gian tới, huyện tiếp tục kiến nghị đến các cấp, ngành của tỉnh nghiên cứu cải tạo, phục tráng cây thạch đen để có thể đạt sản lượng, chất lượng cao hơn nữa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lý Việt Hưng khẳng định, từ năm 2020 đến nay, khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc, giá thạch giữ được ổn định, mang lại thu nhập khá cho người nông dân trồng thạch. Tỉnh đang chỉ đạo các huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng mở rộng diện tích trồng cây thạch đen lên hơn 11.000ha, đáp ứng nhu cầu cho xuất khẩu, trở thành cây chủ lực giúp xóa, đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.