Buổi thả cá có sự tham gia của đại diện các cơ quan cấp tỉnh, huyện và chính quyền cấp xã và đặc biệt có sự hưởng ứng, đồng tình đông đảo của các bô lão và bà con ngư dân khu vực Cồn Chòi của xã Phú Diên, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tại lễ phát động thả cá, các đơn vị đã thả hơn 110.000 con cá và tôm giống; trong đó có 20.000 cá dìa giống (cỡ 1-2cm) và 90.000 con tôm sú (cỡ 3-5cm) xuống Khu bảo vệ thủy sản Cồn Chòi, xã Phú Diên. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng cư dân về giá trị tài nguyên thủy sản, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng nước nội địa đầm phá Tam Giang-Cầu Hai hằng năm của tỉnh Thừa Thiên Huế, tăng cường tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là nguồn thủy sản giống tôm cá con trong năm 2022. Qua đó, tăng khả năng tái tạo nguồn thủy sản trong tự nhiên, nâng cao ý thức của người dân đối với việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản một cách phù hợp.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Phước Bình, việc thả tôm, cá giống tại các khu bảo vệ thủy sản sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân trong vùng. Thông qua hoạt động này, chính quyền sở tại nói chung và chi hội nghề cá, ngư dân xã Phú Diên sẽ có ý thức cao trong việc bảo vệ và tái tạo tốt hơn nguồn lợi thủy sản; phối hợp đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật đánh bắt khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực bãi giống, bãi đẻ, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các chủng loại thủy sản khu vực đầm phá Tam Giang-Cầu Hai của Thừa Thiên Huế.
Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, hoạt động thả cá, tôm, cua và các giống loài thủy sản trên sông và vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đã thu hút được sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng nhân dân, xã hội. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai thả 460.000 con cá nước ngọt, 990.000 tôm sú giống, 17.600 con cua hoặc cá dìa tại 22 Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thả 800.000 con tôm sú trưởng thành ra biển.