Tết ấm trong những ngôi nhà đại đoàn kết

Tết này, hàng nghìn gia đình khó khăn ở Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ khởi đầu một mùa xuân trong những ngôi nhà đại đoàn kết ấm áp, nghĩa tình. Tình cảm sẻ chia, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội đã mang một mùa xuân với tràn đầy hy vọng và yêu thương cho những gia đình yếu thế.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trao quà Tết tặng người nghèo huyện miền núi biên giới 30a Quế Phong.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trao quà Tết tặng người nghèo huyện miền núi biên giới 30a Quế Phong.

Với phương châm “tất cả mọi người đều có Tết ấm”, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phát huy cao độ tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, không ngừng nỗ lực chăm lo các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình “Tết nhân ái”, “Tết vì người nghèo”…

Những ngôi nhà nghĩa tình

Cuộc sống của ông Đoàn Khắc Chương, ở xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) những năm qua gặp muôn phần khốn khó. Sống một mình, lại không may gặp tai nạn, bị liệt nửa người cho nên mối hiểm nguy luôn rình rập ông trong ngôi nhà tranh, vách đất mỗi khi mùa mưa bão đến. Thương cha, nhưng hoàn cảnh của các con ông Chương cũng chẳng khá giả hơn. Ước mơ về một ngôi nhà kiên cố vẫn thường trực trong gia đình ông. “Mặc dù tôi đã cần cù lao động, nỗ lực tích góp, song do sinh sống ở một khu vực thời tiết khắc nghiệt, nắng cực nắng, lũ chồng lũ... cho nên mong ước về một ngôi nhà mới còn dang dở. Đến hôm nay, khi được đón Tết trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, tôi vẫn ngỡ như đây là một giấc mơ. Tận đáy lòng, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Công an, tỉnh Hà Tĩnh cũng như các đơn vị tài trợ đã quan tâm, có tấm lòng chia sẻ với những người yếu thế như chúng tôi”, ông Đoàn Khắc Chương cho biết. Lời tri ân của ông Đoàn Khắc Chương cũng chính là tâm sự của gần 2.500 hộ dân ở Hà Tĩnh vừa được hỗ trợ xây nhà ở mới trong năm 2023.

Chúng tôi có mặt tại xã Huồi Tụ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), địa phương có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, trong đó có hơn 50% hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở. Trong căn nhà mới, ông Mùa Bá Xồng, 72 tuổi, ở bản Huồi Lê cho biết, gia cảnh neo đơn, lại bị tàn tật, ông Xồng mơ đến một ngày có ngôi nhà ấm cúng, không còn lo gió rét mỗi khi đông về. Thế rồi, đầu năm 2023, ông Xồng được địa phương đưa vào diện ưu tiên làm nhà và được các chú công an, bộ đội cùng các đoàn thể và bà con trong bản đến giúp tháo dỡ nhà tạm, đào đất, làm móng và dựng cột, lợp mái nhà... Sau hơn 10 ngày thi công, ngôi nhà “ba cứng”: Nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng, rộng gần 50 m2 đã được hoàn thành trên nền đất cũ thay thế căn nhà tạm, dột nát đã đeo bám ông bao mùa rẫy. Không chỉ giúp làm nhà mới, địa phương còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ mua giường, một số vật dụng và quà Tết tặng ông Xồng và những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ông Xồng bùi ngùi: “Đây là cái Tết vui, Tết ấm đáng nhớ nhất của đời tôi!”. Cách đó không xa, hai gia đình người em ông Xồng và mấy gia đình hàng xóm cũng đang vui Tết ấm trong những ngôi nhà đại đoàn kết mới xây, do ngành công an hỗ trợ.

Chủ tịch xã Huồi Tụ Mùa Bá Giờ cho biết: Là xã 135 cho nên số hộ nghèo ở Huồi Tụ có nhu cầu làm nhà ở để an cư là khá cao. Trước đây, mỗi năm, với các nguồn lực huy động được, xã chỉ xóa được từ năm đến bảy nhà tạm, nhưng năm 2023, qua ba đợt triển khai, Huồi Tụ đã xóa được 35 nhà tạm, với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Cùng với đó là sự hỗ trợ tiền, nhân lực từ phía chính quyền các cấp, đoàn thể chính trị, lực lượng vũ trang, người dân.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Kỳ Sơn là huyện 30a, nơi có đông đồng bào các dân tộc sinh sống; tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao so với mặt bằng chung và số hộ nghèo, hộ có nhu cầu xóa nhà tạm rất lớn, cho nên việc huy động các nguồn lực tập trung xóa nhà tạm, làm nhà ở vững chắc giúp đồng bào an cư là nhiệm vụ chính trị nặng nề. Trong năm 2023, tranh thủ sự giúp đỡ từ các chương trình của Trung ương, của tỉnh và nhất là sự kết nối, hỗ trợ của Bộ Công an, Cục C03, Công an tỉnh Nghệ An cùng một số tổ chức, cá nhân, huyện Kỳ Sơn đã sửa chữa và làm mới được 2.237 ngôi nhà đại đoàn kết, với nguồn hỗ trợ khoảng 106 tỷ đồng. Tuy là huyện khó khăn, nhưng Kỳ Sơn cũng đã trích ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa trong và ngoài tỉnh được gần 6 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào làm móng nhà; cùng hàng vạn ngày công, vật liệu xây dựng được đóng góp từ các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang và người dân. Nhiều xã 135, khu vực biên giới được ưu tiên nguồn hỗ trợ, tiến hành sửa chữa, làm mới được hàng trăm nhà đại đoàn kết, như: Chiêu Lưu làm được 183 nhà, Mường Ải 150 nhà, Mường Típ 147 nhà, Bảo Thắng 143 nhà…

Năm 2023, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã thiết lập con số kỷ lục về xóa nhà tạm cho người nghèo, khi thu hút các nguồn lực làm được hơn 10 nghìn ngôi nhà đại đoàn kết tặng người nghèo, người có nhu cầu về nhà ở, tập trung ở các huyện miền núi, biên giới còn nhiều nghèo khó. Trong đó, Nghệ An làm được hơn 7.510 ngôi nhà đại đoàn kết, bằng cả bảy năm (2016-2022) trước đó cộng lại; trong số này, lực lượng công an đã kêu gọi, kết nối hỗ trợ được 3.573 ngôi nhà. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An Lê Văn Ngọc, để giúp người nghèo có ngôi nhà khang trang hơn, ngoài tiền hỗ trợ để làm nhà, các địa phương ở Nghệ An đã huy động nhân dân và các nguồn lực khác được gần 193 tỷ đồng để làm 3.553 móng nhà lắp ghép cùng hàng chục nghìn ngày công, vật liệu… Nhờ đó, các huyện 30a miền núi cao biên giới như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… (Nghệ An) hay Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… (Hà Tĩnh) mới có điều kiện giúp người nghèo cải thiện nhà ở, sớm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống để sớm vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngay trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng chục nghìn người nghèo khó ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không còn cảnh phải đón Tết cổ truyền trong những ngôi nhà tạm, lụp xụp mà thay vào đó là những nhà đại đoàn kết trong mơ, ấm cúng, còn thơm mùi sơn, mùi vữa.

Ai cũng có Tết

Tinh thần “Tất cả người dân đều được vui Tết, đón Xuân” và chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau được lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên quan tâm thực hiện. Tại tỉnh Nghệ An, đến nay đã tổ chức được 11 chương trình Tết Vì người nghèo với quy mô cấp tỉnh, đã kêu gọi được hơn 726 tỷ đồng để chăm lo Tết, hỗ trợ quà Tết tặng gần một triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ sinh kế cho hơn 2.000 hộ nghèo khác…

Năm nay, dự báo sẽ khó khăn, nguồn hỗ trợ có thể sẽ giảm, bởi đầu năm, tỉnh đã phát động chương trình hỗ trợ cho người nghèo xóa nhà tạm và đã huy động hàng trăm tỷ đồng làm hàng nghìn nhà đại đoàn kết, nhưng sau chương trình Tết Vì người nghèo Giáp Thìn 2024, các tổ chức và cá nhân đã đóng góp được hơn 141 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Thế mới thấy, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tại chương trình Tết Vì người nghèo Giáp Thìn 2024 lại càng có ý nghĩa, thể hiện nghĩa cử cao đẹp và đầy tình nhân ái đáng trân trọng dành cho người nghèo mỗi độ Tết đến, Xuân về. Tại Hà Tĩnh, thông qua các cuộc vận động, phong trào ủng hộ, chăm lo người nghèo vui Tết, đón Xuân, các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh cũng đã trao tặng hơn 68.000 suất quà tặng các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.