Tết ấm cho người nghèo

Cùng với việc huy động nguồn lực của cộng đồng để đầu tư, xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền ở ba tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh còn chủ động thực hiện nhiều giải pháp tạo thêm sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo để thoát nghèo bền vững, tạo hiệu ứng lan tỏa và sức xuân phơi phới trên mọi nẻo đường.
0:00 / 0:00
0:00
Các đoàn thể và lực lượng vũ trang tham gia gói bánh chưng trong Chương trình Xuân biên cương, Tết hải đảo do huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức.
Các đoàn thể và lực lượng vũ trang tham gia gói bánh chưng trong Chương trình Xuân biên cương, Tết hải đảo do huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức.

Tinh thần yêu thương, chia sẻ của truyền thống dân tộc được người dân triển khai sâu rộng và trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, vun đắp tình làng nghĩa xóm ở những miền quê đang bộn bề khó khăn.

Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, bốn mẹ con chị Phạm Thị Mùi ở xã Hương Xuân, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật sắp xếp lại phòng khách để tiếp đón người dân xóm làng đến chung vui trong ngôi nhà mới.

Với mẹ con chị Mùi, Tết năm nay là cái Tết vui nhất của gia đình từ trước đến nay. Trong căn nhà rộng chừng 70m2, chị Mùi cho biết, sau khi chồng mất, một mình vốn đã bệnh tật lại phải chăm lo cho ba đứa con thường xuyên đau ốm. Vì vậy ước mơ về một ngôi nhà kiên cố để mẹ con an cư luôn là khao khát cháy bỏng của người phụ nữ tần tảo này.

Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi tỉnh Hà Tĩnh triển khai chương trình an sinh xã hội, chung tay vì người nghèo. Thông qua sự kêu gọi, hỗ trợ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, chỉ sau hơn một tháng, ngôi nhà cấp bốn rộng gần 70m2 khang trang của gia đình chị Mùi đã được hoàn thành, trị giá hơn 100 triệu đồng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hương Khê, Hà Văn Đàn cho biết, ngôi nhà mới của chị Phạm Thị Mùi là một trong 226 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa từ sự đóng góp, hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm, với tổng mức huy động gần 16 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, chỉ tính riêng hai năm 2021, 2022, thông qua các chương trình an sinh xã hội, tỉnh đã huy động được gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng 3.720 nhà ở kiên cố cho các đối tượng khó khăn, yếu thế và 55 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão cho các cụm dân cư vùng thiên tai.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Tết này hơn 60 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên các tuyến sông được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh hỗ trợ cấp đất ở, huy động các nguồn vốn trợ giúp xây dựng nhà ở, để cư trú ở trên bờ, ổn định cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành cấp đất ở, trợ giúp gần 300 hộ cuối cùng lên bờ, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, ổn định cuộc sống.

Với khẩu hiệu “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ba năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã vận động gia đình, dòng họ, khu dân cư, huy động các nguồn hợp pháp hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4.392 căn nhà đại đoàn kết; trao tặng hơn 634 tỷ đồng quà Tết. Cùng với đó, theo thống kê từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, giai đoạn 2008-2019 có 24.709 người có công ở Thanh Hóa được hỗ trợ hơn 739 tỷ đồng cải thiện khó khăn về nhà ở, trong đó có 277 hộ được hỗ trợ tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.

Chúng tôi có mặt tại “tâm lũ” Mường Xén, Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khi công tác khắc phục thiệt hại do trận lũ lịch sử gây ra hồi tháng 10/2022 đang được khẩn trương hoàn tất. Ngồi trong nếp nhà gỗ mới dựng lại sau lũ, anh Kha Văn Quang (49 tuổi), ở bản Hà Sơn, xã Tà Cạ cho biết: Trận lũ đã quét sạch đồ đạc và ngôi nhà chính của gia đình anh.

Sau lũ, nhờ có tiền hỗ trợ, vợ chồng anh Quang mua vật liệu, dựng lại ngôi nhà nhỏ bị lũ xô siêu vẹo để ở. Anh Quang còn cho biết, sau lũ, gia đình nhận được khoảng 200 triệu đồng tiền hỗ trợ, ngoài tiền làm nhà, mua một số đồ dùng thiết yếu, vợ chồng dành dụm đồng vốn để buôn bán, chăn nuôi trâu bò. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, cuộc sống sau lũ của gia đình anh đã sớm ổn định. “Được đón một cái Tết tùng tiệm nhưng ấm lòng!” - anh Quang chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nguyễn Hữu Minh tâm sự: Đúng là qua cơn hoạn nạn mới tận hiểu lòng nhau, sau lũ, nhìn dòng người, phương tiện tấp nập, nối đuôi nhau đi ngược quốc lộ 7 đến hỗ trợ với người dân Mường Xén, Tà Cạ, chúng tôi xúc động vô cùng. Đã có hơn 600 đoàn là các tổ chức, cá nhân trong tỉnh và cả nước đã lên với đồng bào Kỳ Sơn, hỗ trợ hơn 63 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn nhiều tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm được các nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình bị thiệt hại. Riêng 10 ngày đầu năm 2023 đã có 23 đơn vị, cá nhân lên thăm và tặng quà các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, với hơn 3.450 suất quà, tổng trị giá 2 tỷ 225 triệu đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã phân bổ cho huyện Kỳ Sơn hai tỷ đồng để thăm hỏi, chúc Tết 4.000 hộ nghèo trên địa bàn...

Những ngày này, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các tỉnh đều cử các đoàn đến thăm, chúc Tết, trao quà tặng các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Dương Văn Huệ: Trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc trao hơn 29 tỷ đồng quà của Chủ tịch nước cho 95.131 người có công với cách mạng và thân nhân; tỉnh bố trí thêm hơn 28 tỷ đồng trao tặng quà Tết, mức 300 nghìn đồng/người cho 95.407 người có công với cách mạng và thân nhân; hỗ trợ hơn 470 tấn gạo cho các hộ nghèo ở ba huyện vùng cao biên giới Quan Hóa, Thường Xuân, Mường Lát và trao tặng hơn 28 tỷ đồng tiền quà chúc thọ, mừng thọ hơn 68 nghìn người cao tuổi trong tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng khoảng 400 nghìn suất quà, trị giá gần 300 tỷ đồng tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Theo đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội, chung tay vì người nghèo bài bản, hiệu quả. Nếu Hà Tĩnh được biết đến với chương trình xây dựng nhà ở, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão cho hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, vùng dân cư khó khăn, thì tỉnh Nghệ An nổi lên như một điểm sáng thực hiện “Tết vì người nghèo”.

Chỉ tính riêng hơn 10 năm thực hiện Chương trình Tết vì người nghèo, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi được hơn 589 tỷ đồng chăm lo Tết cho hàng trăm nghìn hộ nghèo. Riêng Tết Nhâm Dần năm 2022, tỉnh đã huy động hơn 126 tỷ đồng, tặng quà hơn 66 nghìn hộ nghèo, hơn 120 nghìn hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Mới đây, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Chương trình Tết vì người nghèo Xuân Quý Mão với chủ đề “Tết ấm-Nghĩa đồng bào”. Tại chương trình số tiền mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ và đăng ký ủng hộ hơn 135 tỷ đồng để tặng quà Tết cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Cùng với đó, các địa phương cũng đang nỗ lực, tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng bãi ngang duyên hải và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các địa phương không ngừng được cải thiện, nâng cao.