Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy chính thức công nhận nhà nước Palestine

NDO - Ngày 28/5, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã chính thức công nhận nhà nước Palestine. Ba nước này cho rằng hành động của họ sẽ khuyến khích các quốc gia khác làm theo.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland sau cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, ngày 27/5/2024. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland sau cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, ngày 27/5/2024. (Ảnh: Reuters)

Sau khi được thông qua tại cuộc họp của Nội các do Thủ tướng Pedro Sanchez chủ trì, Tây Ban Nha đã công nhận nhà nước Palestine. Trong một tuyên bố trước khi cuộc họp này diễn ra, Thủ tướng Sanchez khẳng định: "Đây là một quyết định lịch sử với mục tiêu duy nhất là giúp người Israel và người Palestine đạt được hòa bình".

"Chúng tôi đã thông qua việc công nhận nhà nước Palestine vì nó công bằng với người dân Palestine, cách duy nhất để bảo đảm an ninh cho Israel và hòa bình trong khu vực", Bộ trưởng Ngoại giao, EU và Hợp tác Tây Ban Nha Jose Manuel Albares phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Ireland đã "công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, đồng thời đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Dublin và Ramallah".

Thủ tướng Simon Harris cho biết: "Quyết định này của Ireland nhằm duy trì hy vọng. Đó là niềm tin rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh".

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide cho biết: "Trong hơn 30 năm, Na Uy là một trong những nước ủng hộ nhà nước Palestine. Hôm nay, khi Na Uy chính thức công nhận nhà nước Palestine, đánh dấu một cột mốc trong quan hệ giữa Na Uy và Palestine".

Trước đó, trong 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, Thụy Điển, Cộng hòa Síp, Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria đã công nhận nhà nước Palestine. Slovenia dự kiến ​​sẽ phê duyệt việc công nhận vào ngày 30/5, trong khi đó Malta cho biết đang xem xét động thái này.

Quyết định nêu trên của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã vấp phải sự phản đối của Israel. Trước đó, Israel đã ra lệnh triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại 3 quốc gia này để "tham vấn khẩn cấp".