Trong một tuyên bố, Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, robot của tàu thăm dò Thiên Vấn 1 đã tiến hành đốt cháy các động cơ đẩy trong 15 phút vào lúc 7 giờ 52 phút tối 10-2 theo giờ Bắc Kinh, giúp tàu vũ trụ giảm tốc để bị hút vào quỹ đạo sao Hỏa.
Vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, Thiên Vấn 1 sẽ hạ cánh tàu đổ bộ chở theo chiếc máy bay nặng 240 kg xuống đồng bằng rộng lớn Utopia Planitia ở bán cầu bắc của sao Hỏa.
Nếu hạ cánh thành công, tàu thám hiểm chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ khám phá bề mặt sao Hỏa trong 90 ngày, nghiên cứu đất và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại dưới bề mặt bằng cách sử dụng radar xuyên đất.
Thiên Vấn 1, có nghĩa là "Câu hỏi với thiên đường", tên một bài thơ Trung Quốc viết cách đây hai thiên niên kỷ, là sứ mệnh độc lập đầu tiên của Trung Quốc tới hành tinh này sau khi tàu thăm dò hợp tác với Nga không thể rời quỹ đạo Trái đất và rơi xuống đại dương vào năm 2011.
Đây là một trong ba tàu từ Trái đất bay tới sao Hỏa trong tháng này. Tàu vũ trụ Amal do Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất phóng thành công đã đi vào quỹ đạo của hành tinh tối 9-2. Con tàu này sẽ không hạ cánh nhưng sẽ quay quanh sao Hỏa thu thập dữ liệu về thời tiết và bầu khí quyển của nó.
Thiên Vấn 1 cũng sẽ quay quanh quỹ đạo khảo sát bầu khí quyển sao Hỏa với một loạt các thiết bị bao gồm một camera hình ảnh độ phân giải cao.
Hai tàu thăm dò này tham gia cùng sáu tàu vũ trụ quay quanh sao Hỏa do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Ấn Độ phóng lên.
Trong sứ mệnh sao Hỏa đầy tham vọng của Mỹ, tàu thăm dò Perseverance nặng 1 tấn dự kiến sẽ đến hành tinh Đỏ vào ngày 18-2 và ngay lập tức hạ cánh xuống một vùng trũng với những vách đá dựng đứng mang tên Jezero Crater.
Tàu Perseverance sẽ thu thập các mẫu đá để mang về Trái đất cho một nhiệm vụ trong tương lai. Hai tàu thám hiểm khác của NASA - Curiosity và InSight - hiện đang hoạt động trên bề mặt hành tinh.
Tàu Perseverance cũng sẽ cố gắng triển khai một máy bay trực thăng nhỏ trong bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa.