Tất cả các dự án đầu tư ở Hưng Yên phải báo cáo đánh giá tác động môi trường

Tỉnh ủy Hưng Yên đã ra Nghị quyết số 11, về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó trọng tâm là môi trường nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Môi trường ở thành phố Hưng Yên ngày một xanh, sạch.
Môi trường ở thành phố Hưng Yên ngày một xanh, sạch.

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết số 11, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên, nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường được triển khai hiệu quả, đã tạo nên những chuyển biến lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hưng Yên Lê Ðức Lành cho biết: Theo Quyết định số 64/2003/ QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hưng Yên có sáu cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sau khi triển khai Nghị quyết số 11, các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt, tiến độ xử lý đẩy nhanh, hai cơ sở là Bệnh viện đa khoa Hưng Yên và bãi rác An Vũ đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Hai cơ sở làng nghề Minh Khai và Ðông Mai thuộc Văn Lâm đã có hàng trăm hộ di dời vào khu công nghiệp làng nghề. Làng nghề chế biến miến dong Tứ Dân, huyện Khoái Châu và thuộc da Liêu Xá, huyện Yên Mỹ đã được đầu tư, hướng dẫn xây dựng hệ thống công trình xử lý nước thải; một bộ phận lớn các hộ được hỗ trợ chuyển hướng sản xuất sang mô hình kinh tế hiệu quả hơn; góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Bí thư chi bộ thôn Ðộng Xá, xã Lương Bằng, huyện Kim Ðộng, Hưng Yên cho biết: Dự án phân loại rác tại nguồn được triển khai ở thôn Ðộng Xá rất hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau khi xây dựng xong thùng chứa rác ngầm dưới đất, các hộ gia đình tự phân loại rác; rác vô cơ được gom lại để đội vệ sinh môi trường thu về nơi tập kết chất thải của thôn; rác hữu cơ được cho vào thùng để xử lý bằng chế phẩm sinh học, phân hủy, trở thành phân bón. Nhờ vậy, lượng rác phải mang đi xử lý giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40%, việc đổ rác bừa bãi trong thôn không còn nữa, đường làng, ngõ, xóm phong quang, sạch đẹp.

Ðến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 815 thôn, khu phố thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản, đạt gần 100% số thôn, khu phố của tỉnh; hơn 50% số thôn đã có điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh; gần một nghìn hộ thực hiện phương thức xử lý rác tại hộ, với hai mô hình xây thùng ngầm dưới đất, hoặc sử dụng thùng nhựa chuyên dụng, vốn đầu tư ít, hiệu quả cao. Các huyện đều có xe chuyên dụng thu gom rác đưa đến các khu xử lý chất thải. Trong sản xuất nông nghiệp; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga được triển khai nhân rộng, đến nay các hộ chăn nuôi đã xây dựng được khoảng sáu nghìn hầm; hàng nghìn hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiến bộ chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP; công tác quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "ba giảm, ba tăng" được triển khai đại trà trên đồng ruộng, góp phần giảm sử dụng hóa chất, phân bón hóa học trong sản xuất; hàng trăm thùng, bể chứa rác thải trên đồng ruộng được xây dựng. Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 37 xã đạt tiêu chí về môi trường...

Mặc dù đạt được kết quả nhất định trong công tác bảo vệ môi trường, tuy vậy vẫn có khoảng 80% số doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh, năm cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Vẫn còn 25 điểm tồn đọng rác, 17 doanh nghiệp và chín làng nghề trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Công tác quản lý vận hành các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, các điểm tập kết rác thải còn nhiều bất cập, gần 50% số thôn chưa có điểm tập kết rác thải. Sự biến động cơ học về dân số, tập trung vào các khu vực gần các khu, cụm công nghiệp, đầu tư cho môi trường chưa tương xứng...

Trước những sức ép ngày càng lớn đến môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Lê Ngọc Sỡi cho biết: Tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung thực hiện tốt quy hoạch về môi trường; tăng cường công tác quản lý môi trường, chỉ đạo quyết liệt cụ thể, đồng bộ hơn đối với từng loại vi phạm, từng biện pháp cụ thể ở những nơi ô nhiễm nặng, giảm thiểu ô nhiễm ở tất cả các khu vực trên phạm vi toàn tỉnh. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên phương tiện thông tin đại chúng và bằng các công việc cụ thể, nhân rộng các mô hình, nhân tố điển hình. Ðề cao tinh thần trách nhiệm, bám sát cơ sở nắm chắc tình hình về môi trường để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xử lý. Rà soát lại để bảo đảm 100% số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện kiểm soát môi trường theo quy định.

Qua đó từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.