Ghi nhận của phóng viên tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Những ngày này, quanh vùng là một màu vàng của lúa đã đến độ thu hoạch. Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, rời khỏi phố thị ồn ào và náo nhiệt không khó để bắt gặp được những cánh đồng lúa ven đô đã đến độ chín vàng.
Những năm gần đây, khi cơ giới hóa đi vào sản xuất sức người đã được thay thế bằng máy móc. Các loại máy gắt đập liên hoàn được đưa vào đồng ruộng nhằm giúp người nông dân bớt nặng nhọc thu hoạch trong những ngày nắng nóng. Trên các cánh đồng vàng óng, tiếng máy gặt vang lên khắp cánh đồng. Những bông lúa vàng nặng trĩu hứa hẹn một mùa lúa bội thu. Theo những người nông dân ở Sài Sơn, việc áp dụng máy móc vào việc thu hoạch lúa sẽ giảm được sức lao động mà lại hiệu quả. Giá thuê một máy gặt đập liên hoàn khoảng 150 nghìn đồng cho một sào ruộng. Với máy gặt đập liên hoàn, để thua hoạch một sào ruộng chỉ mất từ 12 phút đến 15 phút cho cả công đoạn đóng thóc vào bao. Trong thời gian mùa gặt, trên những cánh đồng lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười và kèm theo là tiếng của máy cắt. Vào những thời điểm này, có hai đến ba máy gặt lúa trên những cánh đồng. “Ngày trước chúng tôi phải huy động hết người trong gia đình những ngày này để đi gặt, nhiều lúc còn phải thuê thêm người cho kịp tiến độ. Từ ngày áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn”, bà Phùng Thị Hương, 59 tuổi ở Sài Sơn cho biết. Những chiếc liềm gặt giờ chỉ có tác dụng chính để cắt cỏ, phát quang bờ bụi. Anh Nguyễn Văn Tú, chủ một máy gặt chia sẻ: “Vào mùa vụ, tôi và cộng sự lại đi quanh các cánh đồng để gặt lúa cho bà con, có khi sang cả các vùng lân cận. Mỗi sào lúa tôi lấy giá gặt từ 150-170 nghìn đồng, có những vụ bà con thất thu, tôi chỉ lấy 130 nghìn đồng. Thu nhập cũng khá tốt”. Tuy nhiên, khi gặt xong bà con nơi đây vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều gia đình đốt rơm ngay tại ruộng. Việc làm này khiến cảnh khói bụi mịt mù khắp nơi, thậm chí bao phủ bầu trời ngoại thành Hà Nội. Khói bay vào đường cao tốc Láng – Hòa Lạc khiến tầm nhìn của những người tham gia giao thông bị ảnh hưởng rất nhiều.
Khói rơm rạ bay cao cả trăm mét. Khói bay vào các khu dân cư lân cận, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực này. Ngoài đốt rơm rạ, người dân vẫn giữ thói quen phơi thóc ở trên đường quốc lộ. Việc này ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.