Theo Công điện, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiếu hụt nghiêm trọng, thấp hơn so trung bình nhiều năm cùng kỳ, riêng tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hầu như không mưa. Hạn hán, thiếu nước gay gắt đã xảy ra ở một số địa phương; hạn hán có thể còn kéo dài đến hết tháng 8-2020, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực duyên hải miền trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ.
Trước tình hình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; triển khai kéo dài mạng lưới đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ khu vực nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không bảo đảm nguồn nước,... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt; tiếp tục rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn; chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, các cơ quan truyền thông và các bộ, ngành khác có liên quan chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao…
★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị áp cao lục địa ở phía bắc nén và đẩy dịch xuống phía nam nên ngày hôm qua (21-5), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa, mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to. Từ chiều và đêm nay, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông mạnh, riêng các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai có khả năng mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
★ Ngày 21-5, nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ phổ biến 36-39°C, có nơi hơn 39°C. Dự báo hôm nay, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40°C, riêng vùng núi phía tây của Trung Bộ có nơi 41-42°C. Từ ngày 23-5, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ chấm dứt; nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ có xu hướng dịu dần.
★ Ngày 22-5, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4m, hạ lưu từ 1 đến 2m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông dưới mức báo động 1. Từ ngày 23-5, trên sông Bưởi và thượng nguồn các sông thuộc Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1 đến 3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng của nhiều tỉnh vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An; nguy cơ xảy ra ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là tại các địa phương Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Nội.
★ Ngày 21-5, theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, mưa dông, lốc, sét trong ngày 18 và 19-5 đã gây thiệt hại tại các tỉnh Lai Châu và Bình Định. Tại Lai Châu, mưa, dông, lốc làm một người chết, 64 nhà bị tốc mái, 5 ha ngô bị ảnh hưởng; trong đó 4 ha không có khả năng phục hồi. Tại Bình Định, mưa dông kèm theo sét đã làm ba người chết khi làm nương rẫy tại huyện An Lão. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân chủ động khắc phục, sửa chữa nhà bị hư hỏng để ổn định cuộc sống; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người chết.
★ Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện mưa, nhưng vẫn không đủ làm giảm áp lực phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện, toàn tỉnh có hơn 43.500 ha rừng đang đặt trong cảnh báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm); phần lớn tập trung ở huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời và Cụm đảo Hòn Khoai. Tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chủ rừng phối hợp các hộ dân tập trung bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy lớn.
★ Nhằm khôi phục đàn lợn bị sụt giảm bởi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tỉnh Vĩnh Long đang tập trung cho việc tái đàn, song bên cạnh đó cũng chỉ đạo các địa phương không được lơ là chủ quan với việc phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, nâng tổng đàn lợn đạt hơn 274 nghìn con. Tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo về việc hết DTLCP trên địa bàn. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi được phép tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn trong thời gian tới. Đồng thời, khuyến cáo không tái đàn một cách ồ ạt, chỉ ưu tiên tái đàn đối với các trang trại, khu chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi để áp dụng hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Tỉnh Lạng Sơn đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi khi tái đàn, cần mua con giống có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch thú y, không nên mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc; đồng thời chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn.
★ Tỉnh Quảng Trị đang tăng cường xử lý những tàu cá không cập, rời cảng theo chỉ định. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, tập trung xử lý nghiêm việc không nộp báo cáo, nhật ký khai thác hải sản.
★ TP Cần Thơ đã đưa thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động (thiết bị IoT) vào đồng ruộng để giúp đo đạc, thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin về khí tượng thủy văn, thông số dữ liệu về đất, nước, sự phát triển của lúa… Đây là thiết bị giúp thu thập, xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm được nhiều chi phí và nhân lực.
★ Trưa 21-5, tại đồi 47 thuộc xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) xảy ra vụ cháy rừng trồng ba năm tuổi. Nhận tin báo cháy, chính quyền xã Tịnh Sơn huy động khoảng 100 người phối hợp lực lượng kiểm lâm và cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến hiện trường dập lửa. Sau gần bốn giờ, ngọn lửa đã được khống chế, nhưng khoảng 15 ha rừng trồng bị thiêu rụi.
Tập trung ứng phó nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại Trung Bộ và Tây Nguyên
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 601/CĐ-TTg yêu cầu UBND các địa phương, nhất là các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các bộ, ngành có liên quan tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
![]() |
Lực lượng chức năng Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) phối hợp cảnh sát phòng cháy, chữa cháy diễn tập phương án chữa cháy rừng.Ảnh: QUỐC KHẢI |