Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1095/CĐ-TTg yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đưa người dân khỏi nơi ngập lụt nguy hiểm đến địa điểm an toàn. (Ảnh QUANG HỒNG)
Lực lượng chức năng thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đưa người dân khỏi nơi ngập lụt nguy hiểm đến địa điểm an toàn. (Ảnh QUANG HỒNG)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân: chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt. Tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện (bao gồm cả các hộ dân và các cơ quan, đơn vị) ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.

Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ dân buộc phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu chia cắt, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở. Kịp thời tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để hỗ trợ người dân sơ tán và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống. Chỉ đạo công tác khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, khôi phục các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, học tập của học sinh ngay sau khi lũ rút.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó mưa lũ theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả, bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống điện tại khu vực bị ngập lũ. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo quy định.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin, chủ động hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, ngừa, ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố tính đến tối 15/11, mưa lũ làm 5 người chết và mất tích (Quảng Trị 1 người chết, 2 người mất tích; Thừa Thiên Huế 1 người chết, 1 người mất tích). Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thống kê số nhà bị ngập (36 phường, xã của thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông bị ngập từ 0,3-0,8 m); 22 nhà bị tốc mái (Hà Tĩnh: 17; Quảng Nam: 1; Quảng Ngãi: 4);

69 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị: 65 ha; Đà Nẵng: 4 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị), 1.090 con gia súc, gia cầm (Quảng Trị: 1.034; Đà Nẵng: 56), 2 ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị) bị thiệt hại.

Mưa lũ đã làm tắc đường do ngập cục bộ một số vị trí trên các tuyến quốc lộ 1A, 49B (Thừa Thiên Huế), Quốc lộ 40B (Quảng Nam), Quốc lộ 15 (Quảng Bình) và một số tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ tại tỉnh Quảng Nam (ĐT 609, 611), tỉnh Quảng Trị (tắc 10 điểm ngầm tràn, cầu tràn ở huyện Đa Krông). Các tuyến đường thuộc 36 phường, xã của thành phố Huế; nhiều tuyến đường thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông, giao thông chia cắt. Sạt lở taluy dương một số vị trí trên đường Quốc lộ, tỉnh lộ: Quốc lộ 9C (100 m3), Quốc lộ 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, Quốc lộ 14G (TP Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trưa 15/11, mực nước lũ trên sông Hương vẫn ở trên mức báo động 3, trên sông Bồ dưới báo động 3 gây ngập lụt diện rộng. Chính quyền địa phương chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học và di dời các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu nguy hiểm đến nơi an toàn. Các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thành phố Huế đã di dời 362 hộ với hơn 550 nhân khẩu. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, ngập lụt sâu, chia cắt; khu vực nguy cơ cao sạt lở đất.

Đặc biệt, các địa phương, đơn vị chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phục vụ nhân dân tại vùng nguy cơ cô lập, chia cắt dài ngày... Chủ công trình hồ chứa nước thủy điện, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Dự báo từ nay đến 17/11, địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi hơn 500mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động 3, gây ngập lụt diện rộng.

Cũng trong ngày 15/11, trên địa bàn xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), mưa lớn đã làm sạt lở đất từ một quả đồi xuống nhà một hộ dân, khiến hai vợ chồng ông Trần Đình Minh (sinh năm 1972) và vợ Nguyễn Thị Thủy Tiến (sinh năm 1978), ở thôn Đồng Hòa, xã Bình Tiến bị mắc kẹt bên trong. May mắn sự việc được phát hiện sớm, lực lượng chức năng địa phương và người dân chung quanh đã giải cứu các nạn nhân kịp thời. Hiện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở mức 2.

Tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn cùng với nước trên thượng nguồn chảy về khiến một số khu vực bị ngập cục bộ. Để bảo đảm an toàn, toàn bộ học sinh các cấp trên địa bàn thành phố đã được nghỉ học. Mưa to và dông khiến tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua địa bàn thành phố Cam Ranh bị ngập sâu. Thành phố đã chỉ đạo các lực lượng khơi thông cống, dòng chảy và bố trí dân quân, bảo vệ dân phố giăng dây, báo hiệu mất an toàn ở những nơi xung yếu, ngập nước sâu. Trước tình hình mưa lũ, Ban Quản lý cảng Hòn Rớ đã tăng cường tuyên truyền, bảo đảm an toàn cho tàu cá sản xuất trên biển. Khi sản xuất trên biển, ngư dân thường xuyên giữ liên lạc, bật thiết bị giám sát để được cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời.

Tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến 15/11 gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khiến đất đá vùi lấp mặt đường, hư hỏng công trình giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngành Giao thông vận tải tỉnh đang tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục nhanh tại các vị trí sạt lở, bảo đảm an toàn lưu thông thông suốt trên các tuyến đường.

Tại Ninh Thuận, mưa lớn kéo dài sáng 15/11 đã làm nhiều khu vực nội thành của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và một số địa phương trong tỉnh bị ngập cục bộ, gây khó khăn cho lưu thông của người dân. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, học sinh trên địa bàn tỉnh đã được nghỉ học để bảo đảm an toàn. Các đơn vị chức năng cũng khẩn trương thành lập các tổ công tác, cử cán bộ chủ chốt đến các điểm trường xung yếu để kiểm tra, đôn đốc phòng, chống mưa lũ; đặc biệt đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng trũng thấp ■