Tập trung toàn bộ nguồn lực chống bão

Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác đi thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh. Tại huyện Vân Đồn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra khu bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại thị trấn Cái Rồng với sức chứa 1.000 phương tiện.
Tàu thuyền của ngư dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào nơi tránh trú an toàn. (Ảnh MAI TÚ)
Tàu thuyền của ngư dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào nơi tránh trú an toàn. (Ảnh MAI TÚ)

Nhấn mạnh bão số 3 là cơn bão rất mạnh, Phó Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể, nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tổn thất, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tại khai trường của Công ty cổ phần than Hà Tu, Phó Thủ tướng cho rằng công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại các địa phương ở Quảng Ninh đang được triển khai tốt và phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, có kịch bản cho các vùng khác nhau (huyện đảo, ven bờ, đồng bằng, miền núi) trước, trong và sau bão.

Cũng trong chiều 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tuyến đê biển Hà Nam, cống tiêu thoát nước trên địa bàn thị xã Quảng Yên.

Cuối giờ chiều 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại thành phố Hải Phòng. Sau khi kiểm tra đê biển Cát Hải, thị sát công tác chuẩn bị phòng, chống bão tại Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, nghe báo cáo nhanh về công tác phòng, chống bão số 3 của thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng ghi nhận thành phố Hải Phòng thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống siêu bão.

Ngày 6/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Nam Định. Qua kiểm tra các khu vực trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai của tỉnh (Khu công nghiệp Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng; Cảng cá Ninh Cơ và khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ; các trọng điểm trên tuyến đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh 3 và kè Thịnh Long, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu), Bộ trưởng đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó bão của tỉnh. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh khẩn trương hoàn thành việc kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền; di chuyển người dân từ các lều, chòi canh bãi nuôi thủy sản, bãi bồi ven sông, ven biển, vùng úng trũng, có nguy cơ cao về nơi an toàn.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tới kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Thái Bình. Thông tin với Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, đến nay toàn bộ tàu, thuyền của ngư dân đã vào tránh trú an toàn tại các khu neo đậu.

Việc sơ tán người lao động tại các chòi ngao, khu nuôi trồng thủy sản, hải sản, hộ dân sinh sống trong nhà yếu sẽ được hoàn thành trước 18 giờ ngày 6/9. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trực tiếp kiểm tra việc phòng chống bão số 3 tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái; nghe lãnh đạo Công ty cổ phần Green-Ipark báo cáo về các phương án ứng cứu khi bão xảy ra, nhất là việc chằng chống thật tốt tại các công trường xây dựng nhà máy, công xưởng.

Ngay trong sáng 6/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã kiểm tra đột xuất công tác ứng phó khẩn cấp bão số 3 tại quận Ba Đình. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu quận Ba Đình, địa bàn tập trung nhiều khu tập thể cũ, nhà ở riêng lẻ cao tầng và nhiều khu dân cư sinh sống ngoài đê, phải rà soát kỹ lưỡng các phương án phòng, chống thiên tai, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố, tình huống thiên tai đặc biệt…

Trong tối và đêm 6/9, Ủy ban nhân dân phường Tân Mai, quận Hoàng Mai đã tổ chức di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu đang sinh sống trong nhà nguy hiểm A7, tập thể Tân Mai, tại phố Nguyễn Chính đến Trường tiểu học Tân Mai. Công tác di dời bảo đảm hoàn thành trước 8 giờ sáng 7/9. Chính quyền cũng chủ động bố trí chỗ ở và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chiều 6/9 có văn bản hỏa tốc yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các đơn vị, nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đáng chú ý, các trường học không tổ chức học chính khóa và ngoại khóa vào thứ bảy (7/9) để bảo đảm an toàn cho cả học sinh và giáo viên.

Ngày 6/9, tỉnh Ninh Bình đã thành lập nhiều đoàn do các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các khu vực xung yếu. Các đoàn đã kiểm tra hệ thống thoát nước Khu công nghiệp Khánh Phú, huyện Yên Khánh; kiểm tra, xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc, huyện Kim Sơn; bảo đảm an toàn cho các hộ dân lòng hồ Thường Xung, tuyến đường Đông Tây, đê hồ Yên Quang, huyện Nho Quan.

Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, đến nay 119 tàu thuyền/267 thuyền viên, 218 lều chòi/347 lao động, 42 bè luồng/2 tàu gỗ/4 lao động đang neo thả từ đoạn đối diện Cống C2 đê Bình Minh 4 đến đầu Lạch Nghẽn đã vào bờ an toàn. Địa phương đã triển khai 16 chốt kiểm soát, không để người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh 2 kể từ 7 giờ 30 phút ngày 6/9 đến khi bão tan.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 2.833 phương tiện tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản. Hiện nay, toàn bộ các phương tiện đánh bắt hải sản ở các vùng ngư trường Vịnh Bắc Bộ, vùng biển của Nghệ An… đã vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Trong sáng 6/9, nhiều đoàn của tỉnh, huyện trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm thuộc các huyện ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện tại nơi tránh trú.

Ngày 6/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn đề nghị các địa phương sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, tại điểm thường xuyên ngập úng trong khu vực thành phố Lạng Sơn. Đặc biệt lưu ý điểm đã sạt lở, có nguy cơ cao sạt lở tiếp gây ảnh hưởng đến các hộ dân như: Điểm sạt lở khối 8, thị trấn Cao Lộc; Km 27+400 đường tỉnh ĐT237 (thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình)...

Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ngành liên quan tập trung ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ngày 5/9, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn các đơn vị và nông dân tập trung nhân lực, máy móc để thu hoạch gọn diện tích lúa chín trước khi bão về. Ước diện tích lúa mùa chín đã thu hoạch đạt khoảng 1.000 ha.

Ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công điện số 2585/CĐ-UBND về việc ứng phó với bão số 3. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó với bão.

Ngày 6/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 6552/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang về việc đóng 2 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang. Theo đó, đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 12 giờ ngày 6/9 và đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 16 giờ ngày 6/9.

Chiều tối 6/9, Cục Hàng không Việt Nam ra văn bản khẩn gửi các đơn vị có liên quan trong ngành hàng không về tiếp tục phòng chống, ứng phó bão. Theo đó, có 5 sân bay trong khu vực dự kiến bị ảnh hưởng trực tiếp gồm Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân; khuyến cáo mưa, dông đối với các sân bay Vinh, Điện Biên, Đồng Hới, cần sẵn sàng ứng phó khi bão có diễn biến bất thường. Căn cứ diễn biến bão số 3, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại sân bay Nội Bài thêm 2 giờ, từ 10 giờ đến 21 giờ ngày 7/9 (phương án cũ từ 10 giờ đến 19 giờ).

Sau bão, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sẽ có mưa lớn, mật độ khai thác máy bay tăng lên, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không chỉ đạo tổ bay bổ sung thêm dầu dự trữ (đối với chuyến bay trong khung giờ từ 21 giờ ngày 7/9 đến 2 giờ ngày 8/9 để phòng trường hợp bay chờ, chuyển hướng đến sân bay dự bị). Cục giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xây dựng phương án điều hành bay về sân bay Nội Bài sau bão, bảo đảm hài hòa hoạt động bay trên nguyên tắc ưu tiên các chuyến bay xa, chuyến bay quốc tế, chuyến bay nội địa.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các công ty cổ phần vận tải đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) quyết định bãi bỏ hàng chục đoàn tàu khách. Cụ thể, bãi bỏ tàu SE11 xuất phát từ Hà Nội trong hai ngày 9, 10/9; bãi bỏ tàu SE12 xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 11, 12/9. Đồng thời, bãi bỏ tất cả các chuyến tàu Hà Nội-Hải Phòng và ngược lại ngày 7/9 và tàu HP1, LP2 ngày 8/9; bãi bỏ tàu SP3/SP4 và tàu NA1/NA2 ngày 7/9. Các chuyến tàu khác vẫn chạy bình thường.

Tối 6/9, thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Thực hiện Công điện ngày 5/9/2024 số 87/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 3822/CĐ-TM của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về việc ứng phó với bão số 3, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quân đội duy trì nghiêm chế độ trực; nắm chắc tình hình diễn biến và hướng di chuyển của bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Trong đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên tích cực, chủ động triển khai công tác ứng phó bão số 3 như: Tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu tại 22 điểm theo quy định của Chính phủ; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 phương tiện/219.913 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Đến 13 giờ ngày 6/9, 100% các tàu, phương tiện từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã được neo đậu tại bến và tổ chức kiểm soát chặt chẽ theo lệnh cấm biển của các địa phương. Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch trên các đảo vào đất liền (hoặc vào khu vực nhà kiên cố, bảo đảm an toàn trên các đảo) trước 12 giờ ngày 6/9; kiên quyết kêu gọi ngư dân, người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trước 18 giờ ngày 6/9.

Tính đến 17 giờ 30 phút ngày 6/9, lực lượng quân đội gồm các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18 đã tích cực chuẩn bị lực lượng với tổng số 457.469 người; chuẩn bị 10.124 phương tiện, trong đó có 403 xe đặc chủng, 4.773 ô- tô, 4.942 tàu, xuồng và 6 máy bay…, sẵn sàng ứng phó bão số 3.

Bão số 3 giảm cấp trước khi vào đất liền nước ta

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia, bão số 3 đã giảm 2 cấp và đi vào vịnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 7. Dự báo, ngày 7/9 gió giảm dần, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền, sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9.

Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m đến 2m vào chiều và đêm 7/9 và nước rút do bão, khoảng 0,5m đến 1m xuất hiện vào sáng 7/9. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.