Theo Phó Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phan Quang Minh, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới bởi đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Việc vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm động vật để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết và các lễ hội đầu năm 2025 cũng tăng cao. Hơn nữa, nhu cầu tái đàn sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ khiến tổng đàn gia súc, gia cầm tăng. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; việc quan tâm, sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa được chú trọng. Công tác giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh ở một số nơi chưa kịp thời; chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết do bệnh gặp nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, thuê phương tiện. Vẫn còn địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm và tiêu hủy động vật khi mới xuất hiện dịch bệnh. Điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các trạm không có nơi xét nghiệm, không có thiết bị để thực hiện các xét nghiệm nhanh, không có khu vực nuôi nhốt cách ly động vật và nơi lưu giữ sản phẩm động vật.
Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ động vật còn diễn ra tự phát, khó quản lý. Hiện cả nước có 440 cơ sở giết mổ tập trung, song số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở này chỉ đạt khoảng 40 đến 50% so với công suất thiết kế; trong số hơn 24 nghìn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thì có hơn 18 nghìn cơ sở không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động. Từ đó, dẫn đến lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường được giết mổ tại các lò mổ thủ công không được kiểm soát chặt về thú y, dịch bệnh, không rõ nguồn gốc vẫn khá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.
Ý thức chấp hành pháp luật thú y về giết mổ của người dân chưa cao; việc hiểu biết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đáp ứng các điều kiện giết mổ còn hạn chế.
Thời gian tới, để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các tỉnh, thành phố cần kiểm soát chặt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; đối với những cơ sở vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các tỉnh khu vực biên giới và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh chống buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ chăn nuôi trong nước. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; xây dựng hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương.
Cùng với đó, theo Phó Cục trưởng Thú y Phan Quang Minh, các địa phương cần tổ chức triển khai việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi kịp thời, bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi hiện có được tiêm phòng, trong thời gian sớm nhất có thể. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong cho biết: “Là tỉnh miền núi, phần lớn người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn rộng, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả là do tỉnh sớm thực hiện các chính sách phòng chống một số loại bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh với tỷ lệ khá cao. Lực lượng thú y cơ sở và đội ngũ cộng tác viên thú y thôn bản đã phát hiện kịp thời và kiểm soát tình hình dịch bệnh nhanh, không để lây lan rộng.
Các địa phương cần xây dựng thêm các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước có 3.750 cơ sở, vùng được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó, có hai vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 63 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.505 cơ sở an toàn dịch bệnh.