Luồng gió mới của hoạt động công đoàn

Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW (Nghị quyết 02) về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo, định hướng, đồng thời là cơ sở để Công đoàn Việt Nam đổi mới tổ chức và hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Sau hơn ba năm triển khai, Công đoàn Việt Nam không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực hoạt động, xứng đáng đại diện cho tiếng nói, niềm tin của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang động viên người lao động thi công đường dây 500kV mạch 3 tại Quảng Bình. Ảnh: Thanh Hà
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang động viên người lao động thi công đường dây 500kV mạch 3 tại Quảng Bình. Ảnh: Thanh Hà

Chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn gắn với nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được đặt ra lần đầu tiên tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI (1988). Từ đó đến nay, tinh thần đó luôn là nhiệm vụ công tác mang tính tự giác, phổ biến, rộng khắp. Quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động được gắn trực tiếp với các phong trào công nhân; chức năng, nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của tổ chức công đoàn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá: Sau gần 60 năm kể từ khi Nghị quyết số 167-NQ/TW ngày 21/9/1967 về tăng cường công tác vận động công nhân và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới được ban hành, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết chuyên đề về tổ chức và hoạt động công đoàn, thổi luồng sinh khí mới cho hoạt động công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; phát hiện, đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật chăm lo tốt hơn quyền lợi của người lao động; có tiếng nói mạnh mẽ, hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, nhất là Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Thị Giáng Hương cho biết: Việc phát huy vai trò đoàn viên công đoàn, người lao động tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có bước chuyển biến mới. Tổng Liên đoàn giữ vai trò trung tâm, thu thập phản ánh, kiến nghị của người lao động, có cơ chế phối hợp Chính phủ trong tiếp nhận, phản hồi, tiếp thu, điều chỉnh chính sách pháp luật phù hợp, kịp thời. Công đoàn không những tham gia ngay từ đầu giai đoạn soạn thảo chính sách, pháp luật mà còn tham gia thẩm tra, lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của luật.

Chương trình Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động năm 2022, Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Chủ tịch Quốc hội chủ trì; tiếp xúc chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội và công nhân, viên chức lao động, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động với đoàn viên, người lao động… là những kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát thực hiện.

Ở cấp cơ sở, công đoàn có nhiều đổi mới trong việc tham gia xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trong quan hệ lao động. Nhiệm kỳ 2018-2023 giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ trước. Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều mô hình mới, mang đậm dấu ấn Công đoàn như: Tết Sum vầy, mái ấm công đoàn, phiên chợ công nhân... được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW còn những hạn chế nhất định. Trong đó, việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; vai trò làm chủ của người lao động ở nhiều doanh nghiệp còn mờ nhạt; thỏa ước lao động tập thể độ bao phủ hẹp, chất lượng chưa cao; chăm lo việc làm, đời sống cho công nhân, người lao động có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả. Chương trình phúc lợi đoàn viên một số nơi thực hiện còn lúng túng; việc xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Vi phạm pháp luật về lao động xảy ra còn nhiều, chậm được xử lý. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực còn yếu. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm đổi mới, chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thiết thực của đoàn viên, người lao động. Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa gắn với đời sống của một bộ phận công nhân, lao động, khiến nhiệm vụ tập hợp lực lượng và phát huy vai trò của công nhân trở nên khó khăn hơn.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, đồng chí Vũ Thị Giáng Hương cho rằng, cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện Nghị quyết, thông qua xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện, gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xác định, làm rõ lộ trình thực hiện trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, xây dựng, triển khai các phong trào thi đua thiết thực, gắn với điều kiện thực tế của từng đơn vị, doanh nghiệp.

Từ thực tiễn hoạt động cơ sở, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina Đinh Sỹ Phúc đề nghị cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo bồi dưỡng; quan tâm bồi dưỡng cho các cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, chú trọng kiến thức, kỹ năng đối thoại về tiền lương vì đây là nội dung được đoàn viên, người lao động mong đợi. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh cho biết: Công tác cán bộ phải được xác định là công việc thường xuyên, liên tục từ việc xác định nhu cầu, đối tượng bồi dưỡng đến phương pháp đào tạo; phân loại cán bộ để có những nội dung, hình thức bồi dưỡng phù hợp.

Có thể thấy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn nhằm mục đích chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đang của đoàn viên, lao động ngày càng tốt hơn. Theo Trưởng ban Chính sách, pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng: Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới. Khi Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực, kéo theo khối lượng công việc cần giải quyết nhiều hơn. Trong khi nguồn lực còn hạn chế, cần phải nỗ lực hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Luật lần này giao cho tổ chức công đoàn. Để triển khai có hiệu quả, vai trò của cán bộ công đoàn hết sức quan trọng trong tiếp nhận, thực thi và để Luật Công đoàn thật sự hoàn thành sứ mệnh vì người lao động.