Quảng Bình đang bước vào cao điểm mùa mưa lũ, do đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn vật nuôi. Vì vậy, công tác bảo vệ, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện.
Dịch bệnh tái diễn trong chăn nuôi nông hộ
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, ghi nhận một số điểm dịch bệnh trên đàn gia súc; trong đó, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 34 hộ ở 15 thôn của 4 huyện, thành phố làm 339 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng 23.835 kg. Đại diện lãnh đạo xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa cho biết, trước nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn và dập dịch. Xã thực hiện khoanh vùng dịch, lập chốt kiểm soát, tổ lưu động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn tại vùng có dịch. Cùng với việc hướng dẫn, chỉ đạo tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, lực lượng thú y cơ sở bám địa bàn, chủ động chỉ dẫn người dân cách tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chung quanh và các tuyến đường chính nơi xảy ra dịch bệnh để hạn chế lây lan ra khu vực rộng hơn.
Bên cạnh đó, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò ở Quảng Bình cũng làm 67 con bò mắc bệnh, trong đó có 17 con bò chết. Hiện, tình hình đã được kiểm soát. Điều được ghi nhận là từ khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các xã miền núi của hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã tăng cường cán bộ thú y về cơ sở; đồng thời, trong thời gian này, trạm thú y cấp huyện cũng đã được tái lập cho nên việc chỉ đạo, hướng dẫn người dân và tham mưu cho chính quyền các xã khoanh vùng, dập dịch có nhiều thuận lợi hơn.
Theo cơ quan chức năng, các ổ dịch thường xuất hiện ở những hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y theo quy định và thường xảy ra trên nền ổ dịch cũ; các cơ sở chăn nuôi chưa tuân thủ các quy định và đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường trong chăn nuôi; thậm chí còn có nơi, người dân vứt lợn chết ngay giữa cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây ra các ổ dịch lớn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vẫn đang tiếp tục rà soát, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh lây lan thêm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vẫn đang tiếp tục rà soát, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh lây lan thêm.
Cùng với đó, Chi cục đề nghị các địa phương cần huy động nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; phối hợp tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định; thực hiện hỗ trợ hoặc đề xuất kinh phí hỗ trợ giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất. UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch bệnh bùng phát, kéo dài trên địa bàn quản lý.
Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh
Tính đến tháng 9/2024, tỉnh Quảng Bình có tổng đàn gia súc gần 390.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 5,2 triệu con. Mặc dù ngành chăn nuôi những năm qua phát triển khá, nhất là quy mô trang trại, nhưng số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn nhiều. Điều này dẫn tới nguy cơ phát sinh dịch bệnh nếu không được quản lý, kiểm soát tốt. Để từng bước nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, việc tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là biện pháp rất cần thiết. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Trần Công Tám cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện đề án xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp”.
Hiện nay, ở tỉnh có 427 trang trại chăn nuôi, trong đó, có 7 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 96 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ. Các trang trại chăn nuôi ở các địa phương cũng đang chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh để hạn chế thiệt hại xảy ra. Một số trang trại đã ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Chuồng nuôi sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas... vào sản xuất giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại sản xuất giống gà của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nhật Minh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng 3 chuồng kín nuôi gà ứng dụng công nghệ cao với quy mô 4.900 con hậu bị (gà giống) 15 tuần tuổi. Theo Giám đốc Công ty Trần Thanh Ngọc, với diện tích hơn 1 ha, trước đây, công ty chủ yếu chăn nuôi gà theo lối truyền thống, bởi vậy cho năng suất thấp, khó kiểm soát dịch bệnh, tốn nhiều chi phí cho nhân công trong khâu chăm sóc, nuôi dưỡng và ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.
Hiện nay, đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học, hệ thống cho ăn, nước uống tự động, chuồng nuôi thông thoáng, rộng rãi. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư xây dựng thêm khu nhà kho chứa thức ăn, khu ấp nở, hệ thống ấp trứng bảo đảm công suất từ 50.000-70.000 trứng. Đơn vị còn mua máy tiêm phòng vắc-xin tự động để phục vụ nuôi gà an toàn dịch bệnh.
Điều mà ông Trần Công Tám trăn trở là số lượng trang trại chăn nuôi ở Quảng Bình khá lớn nhưng nhiều chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi chưa chú trọng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, nhận thức về vấn đề này còn chậm, thậm chí còn chưa quan tâm. Toàn tỉnh mới có 34 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang hỗ trợ xây dựng 2 vùng an toàn dịch bệnh tại xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch và phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn.
Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình Trần Công Tám lưu ý: Bước vào mùa mưa lũ năm nay, các trang trại, hộ chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết và chủ động kiểm tra, gia cố chuồng trại, bảo đảm độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ; dự trữ nước sạch, thức ăn, vật tư, thuốc thú y để dùng cho vật nuôi khi cần thiết; kiểm tra, khai thông hệ thống thoát nước của khu vực chuồng trại, nhằm hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt. Mưa lũ cũng sẽ giảm sức đề kháng của vật nuôi, vì thế, người chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi sau lũ, phun hóa chất sát trùng, tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi đầy đủ. Trạm chăn nuôi và thú y các huyện phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch và xử lý dịch bệnh, tránh lan ra diện rộng.