Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Nhằm xây dựng nông thôn mới thực chất, thiết thực, hiệu quả hơn và gắn liền với quá trình đô thị hóa, thành phố Hà Nội dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020).
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo nông thôn mới huyện Đan Phượng ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Diện mạo nông thôn mới huyện Đan Phượng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Hà Nội đã đạt kết quả nổi bật, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đầu tư khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 gần 80.600 tỷ đồng.

Đến nay, thành phố có tất cả 18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ba huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì đã hoàn thiện hồ sơ và được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố tiến hành thẩm định đủ điều kiện đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Tất cả xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có gần 190 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hơn 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Bên cạnh kết quả đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế, như nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn vẫn phần lớn phụ thuộc ngân sách, chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của người dân.

Để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới thực chất, thiết thực, hiệu quả, bền vững hơn và gắn liền với quá trình đô thị hóa; tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Đề án đặt mục tiêu thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố sẽ có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%. Duy trì 100% số xã đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để thực hiện các mục tiêu đề án, thành phố ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các huyện, thị xã theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Bên cạnh đó, thành phố nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế-xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn cơ bản đồng bộ, hiện đại, theo hướng phát triển đô thị. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, chế biến nông sản theo hướng tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh cao.

Thành phố triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Thành phố nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020); trong đó, nguồn vốn ngân sách khoảng 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa khoảng 8.980 tỷ đồng.