Tập trung nghiên cứu khu vực trọng điểm về thiên tai

Các nhà khoa học Việt Nam đang triển khai nhiều nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau để phục vụ phòng, tránh thiên tai, từ việc phát triển các phương pháp, công nghệ để dự báo, cảnh báo sớm, cảnh báo tức thời thiên tai xảy ra ở các quy mô khác nhau. Vấn đề đặt ra là các nghiên cứu cần được ứng dụng hiệu quả trong thực tế.

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học của Viện Địa chất, khảo sát điểm trượt lở tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).
Các nhà khoa học của Viện Địa chất, khảo sát điểm trượt lở tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Hướng nghiên cứu thiên tai địa chất được khởi xướng từ Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khởi đầu bằng Chương trình khoa học công nghệ “Nghiên cứu sự tạo thành khe nứt hiện đại (vùng trũng sông Hồng) và một số biện pháp phòng chống chủ yếu” (1981-1985). Đây là một hướng nghiên cứu tiên phong, đặt nền móng trong nghiên cứu mới về địa chất ở Việt Nam là nghiên cứu các tai biến địa chất. Sau chương trình này, có đề án nghiên cứu về thiên tai nứt đất lãnh thổ Việt Nam (2000-2005) và lần đầu tiên, các nhà khoa học của Viện Địa chất đưa ra được phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đánh giá tai biến địa chất ở Việt Nam, từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, sử dụng hợp lý lãnh thổ, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do các tai biến địa chất gây ra.

Hiện nay, trong lĩnh vực nghiên cứu tai biến thiên tai có sự tham gia của nhiều đơn vị như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải. Nghiên cứu thiên tai được chia thành ba cấp: Cấp quốc gia; cấp khu vực; cấp tỉnh, khu dân cư, công trình cụ thể.

Với cấp quốc gia, có thể kể đến Chương trình KC08 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kết quả nổi bật của chương trình này là lần đầu tiên xây dựng được bộ bản đồ phân vùng tai biến tự nhiên cho các loại hình tai biến quan trọng tại Việt Nam, tỷ lệ 1:1.000.000 (bão, hạn hán, lũ lụt, trượt lở, lũ quét-lũ bùn đá, xói lở bờ sông, xói lở-bồi tụ bờ biển, tai biến tự nhiên các hệ sinh thái, động đất, nứt đất, tai biến tự nhiên tổng hợp). Các bản đồ này là cơ sở để quản lý tai biến tự nhiên trên tầm vĩ mô như phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, môi trường; chuyển đổi cơ cấu sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; phân bố dân cư và quản lý phòng chống tai biến tự nhiên.

Ở quy mô khu vực, có một số đề tài cấp nhà nước về điều tra đánh giá sự cố môi trường quan trọng và kiến nghị giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại khu vực, thí dụ như: vùng Tây Bắc, Đông Bắc, duyên hải miền trung, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.

Nghiên cứu thiên tai ở quy mô cấp tỉnh, khu dân cư, công trình cụ thể, cũng có nhiều nghiên cứu khác nhau, trong đó đáng chú ý là Viện Địa chất đã nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các hệ thống quan trắc theo thời gian thực phục vụ cảnh báo sớm thiên tai tại một số địa phương như Hòa Bình, Đà Lạt, Hà Giang… Bên cạnh đó, một số đơn vị đã xây dựng bản đồ chi tiết về hiện trạng trượt lở, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở.

Thí dụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở tỷ lệ 1:50.000 tại 25 tỉnh miền núi; bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở tỷ lệ 1:50.000 tại 15 tỉnh; bản đồ hiện trạng và nguy cơ trượt lở tỷ lệ 1:10.000 của 64 xã trọng điểm thuộc 7 tỉnh; bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét-lũ bùn đá tỷ lệ 1:100.000 trên địa bàn 14 tỉnh vùng núi phía bắc; bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét-lũ bùn đá tỷ lệ 1:50.000 đối với 23 lưu vực sông chính của 19 tỉnh miền trung và Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì nghiên cứu về thiên tai điển hình và tổng hợp thiên tai lãnh thổ Việt Nam ở tỷ lệ nhỏ đã bao phủ được toàn bộ phần đất liền. Nghiên cứu về tình trạng một số loại thiên tai, cảnh báo nguy cơ và phân vùng một số loại thiên tai ở các vùng, miền tỷ lệ trung bình cũng đã bao phủ phần lớn lãnh thổ. Tuy nhiên, nghiên cứu cảnh báo nguy cơ và phân vùng một số loại thiên tai ở địa phương và công trình cụ thể ở tỷ lệ lớn, chi tiết vẫn còn nhiều hạn chế. Các bản đồ đánh giá nguy cơ thiên tai đã xây dựng ở tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000, hoặc 1:250.000 không thể hiện được những mái dốc, những con suối. Thực tế nêu trên là một trong những nguyên nhân khiến công tác cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai chưa hiệu quả.

Theo nhiều nhà khoa học, trong bối cảnh nghiên cứu cảnh báo nguy cơ và phân vùng một số loại thiên tai ở địa phương và công trình cụ thể ở tỷ lệ lớn, chi tiết thì vẫn còn nhiều hạn chế và để phục vụ phát triển địa phương thì các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao về thiên tai, với các bản đồ thật sự chi tiết 1:10.000, hoặc 1:5.000. Trên các bản đồ này sẽ thể hiện được các mối nguy cơ như từng mái dốc, con suối có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Các khu vực cần thiết tập trung nghiên cứu gồm: miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, các đô thị lớn. Trên cơ sở đó sẽ lựa chọn những khu vực, địa phương, những công trình cụ thể có nguy cơ xảy ra tai biến thiên nhiên để nghiên cứu chi tiết và sử dụng kết quả nghiên cứu này để cảnh báo cho người dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò liên ngành, đa ngành (như khí tượng, thủy văn, địa chất…) trong nghiên cứu tai biến thiên nhiên để có cái nhìn tổng quát. Các bộ quản lý cần đưa ra những “đầu bài” cho các nhà khoa học để cùng nhau giải quyết vấn đề và khi có kết quả nghiên cứu, cần được bàn giao, hướng dẫn cho các địa phương liên quan để sử dụng hiệu quả trong phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai ■