Tập trung kiểm soát địa bàn phức tạp về kinh doanh hàng lậu, hàng giả

Trong tháng 7/2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, tạm giữ, xử lý nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, thu nộp lượng lớn tiền vi phạm cho ngân sách nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra vỏ bình gas không rõ nguồn gốc tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra vỏ bình gas không rõ nguồn gốc tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh.

Thu nộp ngân sách hơn 9,2 tỷ đồng

Theo Cục Quản lý thị trường, trong tháng 7, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại không có dấu hiệu giảm.

Lợi dụng địa bàn rộng, dân cư tập trung đông, cơ sở hạ tầng tương đối tốt; các dịch vụ internet, bưu điện, chuyển phát nhanh, giao, nhận hàng hóa, dịch vụ hàng không, logistics phát triển mạnh…, các đối tượng tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả tại các kho hàng, điểm trung chuyển và bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại.

Tăng cường kiểm soát hàng lậu, hàng giả, trong tháng 7, các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường đã xử lý là 344 vụ, thu nộp ngân sách với tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra một vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu, trị giá tang vật vi phạm khoảng 3,5 tỷ đồng.

Điển hình ngày 5/7, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an phường Tân Tạo A, quận Bình Tân kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh hàng hóa, địa chỉ tại phường Tân Tạo A. Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở đang kinh doanh 4.500 sản phẩm bóng đèn LED, đèn năng lượng mặt trời không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm căn cứ theo giá niêm yết trên sản phẩm là hơn 1 tỷ đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản đối với chủ cơ sở kinh doanh và tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục đấu tranh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối tháng 7 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp Công an Phường 3 (Quận 6) kiểm tra đột xuất 1 điểm kinh doanh tại đường Gia Phú và phát hiện tại đây đang chứa trữ kinh doanh hai tấn (40 bao) đường cát tinh luyện do nước ngoài sản xuất. Thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và tài liệu chứng minh chất lượng sản phẩm.

Cũng cuối tháng 7, nhận được tin báo từ người dân, tổ công tác thuộc Đội Quản lý thị trường số 15 phối hợp Công an xã Bình Chánh tiến hành kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh vỏ gas tại Ấp 2, xã Bình Chánh. Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang kinh doanh, chứa trữ 323 bình gas các loại, các nhãn hiệu, đã qua sử dụng, không có hóa đơn, chứng từ, không có tài liệu chất lượng kèm theo, không có nhãn hàng hóa theo quy định. Ngoài ra, chủ kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định…

Riêng trong hoạt động quản lý lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…) từ đó phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm về các hành vi như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định,… và đã tạm giữ 498 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… với tổng trị giá hơn 129 triệu đồng.

Tập trung kiểm soát địa bàn phức tạp, trọng điểm

Theo dự báo của Cục Quản lý thị trường, trong tháng 8/2024, tình hình giá cả hàng hóa sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ bản, cần phải kiểm soát kỹ tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng. Trong khi đó, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Trước tình hình nêu trên, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, như: Xăng dầu, vàng, thuốc lá điện tử, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh,...

Lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, giám sát tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

Cục Quản lý thị trường thành phố cũng lưu ý đội trưởng các đội quản lý thị trường triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch về tăng cường công tác quản lý địa bàn. Trong đó, các đội cần tăng cường quản lý, kiểm tra ý thức kỷ luật, thực thi công vụ, đạo đức công vụ đối với công chức, gắn với công tác phối hợp với chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở để nắm thông tin, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý công chức có dấu hiệu tiêu cực, biểu hiện không đúng.