Ðến 9 giờ ngày hôm nay (25/10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,8 độ vĩ bắc; 114,4 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và có thể mạnh thêm.
Ngày 24/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có Công điện số 16/CÐ-TW gửi các bộ, ngành liên quan cùng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu về việc chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Theo đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện số 1420/CÐ-TTg ngày 23/10 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp nhiệt đới, thông báo cho các tàu, thuyền; giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra...
Tại Quảng Nam, mưa lớn, kèm theo điều tiết lũ từ các hồ chứa khiến mực nước trên sông dâng cao. Lúc 15 giờ ngày 24/10, mực nước ở sông Tam Kỳ trên báo động III: 0,22 m, làm các khu dân cư tại các phường: Tân Thạnh, An Phú, Hòa Hương... ngập trung bình từ 0,3 m đến 1 m, có nơi hơn 2 m. Hiện có hơn 4.000 nhà của người dân ở trên địa bàn TP Tam Kỳ bị ngập, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời xen ghép 1.326 hộ, với 2.723 nhân khẩu. Trước tình hình ngập lụt dự báo sẽ còn kéo dài, TP Tam Kỳ cho học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn thành phố nghỉ trong ngày 25/10. Còn tại huyện Nam Trà My do mưa lớn đã xảy ra một vụ sạt lở tại khu vực Tắc Pỏ, xã Trà Mai làm sáu ngôi nhà bị hư hỏng. Ðể bảo đảm an toàn, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền các xã di dời khoảng 170 hộ dân, với gần 800 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Tỉnh Quảng Ngãi có gần 11 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu. Ðể bảo đảm an toàn tính mạng người dân, các địa phương tổ chức di dời, sơ tán 1.370 hộ dân với 4.541 khẩu trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Riêng 20 xã, thị trấn huyện Bình Sơn vẫn còn bị ngập, trong đó xã Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Trung ngập từ 1,5 - 2 m. Nghiêm trọng, tuyến đường sắt bắc nam đoạn qua xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, nước lũ gây xói lở một đoạn nền đường dài khoảng 30 m khiến giao thông đường sắt gián đoạn suốt nhiều giờ. Ngoài việc tổ chức phương án trung chuyển hành khách từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi và ngược lại, ngành đường sắt huy động phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục sự cố sớm, tạm thời thông tuyến trong tối 24/10. Ðối với ba ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn bị lũ cuốn mất tích trong lúc dùng thuyền thúng di chuyển trên sông Trà Bồng ra tàu cá đang neo đậu để hỗ trợ người nhà neo cột tàu, đến chiều tối 24/10 vẫn chưa tìm được tung tích.
Mưa lớn, gió mạnh kết hợp triều cường, sóng lớn khiến bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP Huế (Thừa Thiên Huế) bị sạt lở với chiều dài khoảng 250 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 5 m. Bờ biển đoạn qua thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, cũng bị xói lở dài khoảng 1.000 m. Ngoài ra, bờ sông Bồ đoạn qua phường Hương Vân, Hương Xuân, thị xã Hương Trà dài khoảng 1,5 km bị sạt lở. Tại các huyện Quảng Ðiền, Phong Ðiền, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy, Hương Trà bị ngập lụt, một số tuyến giao thông bị ngập sâu.