Tập dượt, làm quen với thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025

Kỳ khảo sát chất lượng học sinh lớp 11 với định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai đầu tiên trên cả nước, được coi là đợt tập dượt sớm giúp các em làm quen với những thay đổi trong đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) làm bài khảo sát chất lượng theo định dạng đề thi tốt nghiệp 2025.
Học sinh Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) làm bài khảo sát chất lượng theo định dạng đề thi tốt nghiệp 2025.

Với tổng số học sinh lớp 11 tham gia khảo sát là gần 120.000 em, trong đó khối công lập có 71.290 em, khối ngoài công lập có 30.090 em, còn lại là học viên khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai đợt tập dượt sớm với quy mô lớn cho lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Toàn thành phố có 282 điểm thi với hơn 5.000 phòng thi. Công tác chấm thi thực hiện chấm tập trung theo cụm nhằm bảo đảm chính xác, minh bạch và khách quan.

Thông tin tới đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội trong buổi khảo sát đầu tiên, cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trường có gần 800 học sinh tham gia làm bài khảo sát tại 34 phòng thi. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động làm nhiệm vụ hơn 100 người.

Xác định kỳ khảo sát là cuộc tập dượt quan trọng và ý nghĩa, nhà trường đã xây dựng và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ về quy định chung, thời gian biểu từng buổi kiểm tra. Công việc của giáo viên được thực hiện tương tự như khi tham gia kỳ thi thật, trong đó có những khâu được đặc biệt lưu ý như: cách đánh số báo danh; nhận diện, gọi học sinh vào phòng; nhận, phát, bảo quản đề...

Kết thúc buổi khảo sát với môn Ngữ văn, nhiều học sinh chia sẻ, đề kiểm tra không quá khó, các em khá tự tin làm bài. Môn Toán có độ phân hóa cao hơn, không dễ để đạt 8 điểm trở lên. Các giáo viên cũng đánh giá, ngoài bám sát đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đề Ngữ văn khảo sát chất lượng lớp 11 còn cân đối hơn về thể loại. Đề khảo sát có thể kiểm tra được độ cảm thụ và hiểu ở cả thể loại truyện và thơ, trong khi đề minh họa của Bộ chỉ hỏi về văn xuôi. Bên cạnh đó, học sinh cũng không cảm thấy quá khó khăn khi tiếp cận với những văn bản hoàn toàn mới ngoài sách giáo khoa vì đã được học kiến thức và kỹ năng làm bài theo dạng đề này.

Các năm học trước, thành phố Hà Nội đều tổ chức khảo sát chất lượng, nhưng áp dụng cho học sinh lớp 12. Năm nay, lần đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 11. Để không tạo áp lực cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường không sử dụng điểm bài kiểm tra này trong đánh giá học sinh. Kết quả khảo sát là căn cứ để Sở cũng như các trường có định hướng trong chỉ đạo, tổ chức dạy, học, nhất là giúp học sinh có thêm kênh tiếp cận, làm quen dần với cấu trúc định dạng đề thi theo chương trình mới, từ đó sẵn sàng tâm thế, kỹ năng đáp ứng tốt với yêu cầu mới.

Theo ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), năm học 2023-2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với cấp trung học phổ thông. Kỳ khảo sát giúp định hướng cách dạy cho giáo viên, giúp học sinh tiếp cận, làm quen với định hướng, cấu trúc đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. “Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường thực hiện công tác tổ chức coi thi, chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế; đặc biệt, đề khảo sát được thực hiện đúng định dạng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Hy vọng, từ kỳ khảo sát này, giáo viên, học sinh sẽ tiếp cận nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới”- ông Lê Hồng Vũ cho biết.

Thực tế, các trường học ở Hà Nội đều đã chuẩn bị sớm cho giáo viên, học sinh thích nghi với yêu cầu đổi mới đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) nhận định, khi bước vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mọi điều đều mới với cả giáo viên và học sinh.

Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề thi minh họa và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, nhà trường đã xây dựng đề kiểm tra áp dụng vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ II. “Kỳ khảo sát này giúp giáo viên, học sinh có thêm một kênh quan trọng để cô và trò cùng tập dượt, giúp học sinh tự tin hơn, sẵn sàng bước vào kỳ thi năm sau. Căn cứ kết quả khảo sát lần này, nhà trường sẽ có định hướng tiếp theo trong tổ chức dạy học với từng đối tượng học sinh” - bà Nguyễn Bội Quỳnh cho biết.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, thí sinh sẽ chỉ thi bốn môn, bao gồm hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong số bốn môn thi tốt nghiệp, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Ba môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.