Bài 2: Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu khó
Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng của thành phố Hà Nội trong triển khai, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Bài học kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc đã được thành phố thẳng thắn nhìn nhận để có thể hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình đã đề ra.
Điểm nổi bật của Chương trình số 08-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ đến nay là nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội đã được ban hành để kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người dân, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các nghị quyết được Hội đồng nhân dân thành phố ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo cơ chế, chính sách đặc thù, tạo đà cho hiệu quả triển khai Chương trình. Trong đó, phải kể đến là Nghị quyết số 02/2022/NQ-HÐND ngày 8/4/2022 về “đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo” với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng, đã từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, hầu hết các thôn, làng, tổ dân phố của huyện đều coi trọng công tác lập quy hoạch, góp phần đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng những công trình phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân; có nhà văn hóa, cơ sở vật chất đạt chuẩn, có quy chế quản lý và hoạt động bảo đảm đạt hiệu quả; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên…
Tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu.
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 114 tỷ đồng/năm (tăng so với năm 2022 khoảng 99,7 tỷ đồng), từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp. Thực hiện các chính sách này, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thành phố đã trao tặng 1.778.951 suất quà đến các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ về hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác với số tiền hơn 834 tỷ đồng.
Dù đã đạt nhiều kết quả khả quan trong triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, song thành phố Hà Nội hiện có bốn chỉ tiêu khó hoàn thành đúng hạn nếu không tập trung tháo gỡ vướng mắc. Ðó là các chỉ tiêu về số giường bệnh/10 nghìn dân; số bác sĩ/10 nghìn dân; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường.
Chỉ tiêu giường bệnh/10 nghìn dân và bác sĩ/10 nghìn dân là chỉ tiêu khó, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ. Tại Chương trình số 08-CTr/TU, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phải đạt từ 30 đến 35 giường bệnh/10 nghìn dân. Tổng số giường bệnh hiện nay của Hà Nội đạt 22.796 giường. Ðể thực hiện mục tiêu 30 giường bệnh/10 nghìn dân đến năm 2025, thành phố cần bổ sung ít nhất 4.204 giường bệnh. Liên quan đến chỉ tiêu số bác sĩ/10 nghìn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sĩ/10 nghìn dân, tương đương 13.250 bác sĩ), hiện nay, chỉ tiêu này mới đạt mức 14 bác sĩ/10 nghìn dân.
Ðể có thể thực hiện hai chỉ tiêu trên, các nhà quản lý và chuyên gia gợi mở thành phố có thể tăng thêm số giường bệnh khi đầu tư mở rộng, kết hợp xây dựng mới một số bệnh viện bằng nguồn vốn đầu tư công; tiếp nhận một số bệnh viện của bộ, ngành chuyên quản và kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện bằng nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, Hà Nội cũng cần thu hút đội ngũ bác sĩ qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y tế, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Tương tự, để đạt tỷ lệ 100% số dân được khám sức khỏe một lần/năm vào năm 2025, thành phố sẽ bố trí kinh phí triển khai phần mềm quản lý sức khỏe được kết nối đến 100% các cơ sở y tế trên địa bàn, đồng thời, giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn rà soát đối với đối tượng còn lại để quản lý sức khỏe cho người dân; thực hiện khám bệnh cho người dân chưa được khám tại các cơ sở y tế…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Thủ đô Hà Nội luôn ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU cần tập trung rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.
Cùng với đó, phải tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù để người dân Hà Nội được quan tâm, chăm lo với yêu cầu ở mức cao hơn, đối tượng mở rộng hơn so với Trung ương, nhất là đối với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn… Các chính sách cần bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần bao phủ toàn diện mạng lưới an sinh của Thủ đô.
(★)Xem Báo Nhân Dân, Trang Hà Nội số ra ngày 12/5/2023.