Nội dung cơ bản của việc cấp biển số định danh trong Thông tư 24 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và chuyên nghiệp hóa công tác quản lý xe cơ giới của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý phương tiện và biển số, gắn liền danh tính, trách nhiệm của mình với phương tiện.
Qua đó, hạn chế tình trạng mua bán trao đổi xe nhưng không sang tên, đổi chủ, cũng như tránh các trường hợp sử dụng biển số giả, gây khó khăn cho công tác đăng kiểm phương tiện định kỳ của người dân. Qua khảo sát cho thấy, trong quá trình thực hiện, đối với các xe cơ giới đăng ký lần đầu, mọi việc đều diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đơn vị thực hiện công tác cấp biển số xe và người dân có nhu cầu sang tên, đổi chủ xe cơ giới, vướng mắc đang nảy sinh đối với những xe đã qua sử dụng, đăng ký nhiều lần, qua nhiều đời chủ xe.
Anh Lê Hoài Nam, ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, thực hiện quy định của Nhà nước về việc quản lý phương tiện, anh đến cơ sở làm thủ tục đăng ký xe tại số 342B phố Thái Hà, Đống Đa (Hà Nội) để làm thủ tục sang tên ô-tô của mình. Đây là xe cũ anh mua từ hơn một năm trước và thời điểm đó hai bên chỉ làm giấy ủy quyền. Anh được cán bộ làm thủ tục hướng dẫn phải liên lạc với chủ xe cũ để chủ xe cũ và chủ xe mới cùng có mặt tại cơ sở đăng ký xe.
Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ của người chủ cũ thì được biết, người chủ cũ đã chuyển nơi ở và không thể liên hệ được. Một số trường hợp, người đi sang tên cho phương tiện của mình còn gặp khó khăn hơn nhiều lần liên quan đến tính hợp pháp của chiếc xe. Anh Hoàng Văn Dũng, ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, anh đã “ăn chực nằm chờ” để làm thủ tục sang tên cho ô-tô của mình từ gần một tháng nay nhưng vẫn chưa có phương hướng giải quyết.
Ngay sau khi Thông tư 24 có hiệu lực, anh đã liên hệ cơ quan công an để làm thủ tục và được hướng dẫn các bước thực hiện. Tuy nhiên, khi anh liên hệ với chủ xe cũ thì được biết, chủ xe cũ đã chết nên không thể làm thủ tục mua bán xe. Theo quy định, đối với trường hợp của anh, chiếc xe đã trở thành tài sản thừa kế của gia đình chủ xe cũ, do vậy, việc thực hiện thủ tục trở nên rắc rối và phải qua rất nhiều bước để xác minh với thời gian chưa thể xác định được.
Theo quy định tại Thông tư 24, đối với những xe đã mua đi bán lại nhiều lần và không thể tìm được người chủ sở hữu có tên trên giấy đăng ký xe, người đang sử dụng xe có thể nộp các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc sang tên chiếc xe, sau đó cơ quan đăng ký xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày, đồng thời tiến hành xác minh thông tin xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe cho người đang sử dụng xe.
Như vậy, đối với những trường hợp nêu trên, người đang sử dụng xe phải chờ ít nhất là 30 ngày mới có thể sang tên chiếc xe nếu không có những phát sinh mới liên quan đến tính hợp pháp của chiếc xe. Qua tìm hiểu cho thấy, trên thực tế, nhiều người mặc dù việc mua bán xe trước đây diễn ra một cách hợp lệ thông qua việc viết giấy ủy quyền, tuy nhiên do không xác định được chủ cũ của chiếc xe nên đã phải thực hiện theo trình tự thủ tục nêu trên với mong muốn sang tên được chiếc xe do chính mình bỏ tiền ra mua.
Bên cạnh đó, theo quy định, sau 30 ngày hoàn thiện thủ tục, nếu không có tranh chấp khiếu kiện, cơ quan công an sẽ giải quyết đăng ký sang tên cho người sử dụng xe, nhưng trên thực tế, để hoàn thiện các giấy tờ thủ tục thì người sử dụng xe phải mất rất nhiều thời gian, nhất là đối với những người đã mua xe ở các tỉnh, thành phố khác. Nhiều người sử dụng xe cho biết, do chưa làm được thủ tục sang tên, nên họ không dám đi xe ra đường vì sợ bị phạt và cũng không biết đến bao giờ việc làm thủ tục được hoàn thiện để có thể tiếp tục lưu thông chiếc xe của mình.
Những vướng mắc trong việc làm thủ tục sang tên đối với xe đã qua sử dụng không chỉ gây ảnh hưởng đối với những người mua xe cũ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh mua bán ô-tô cũ. Nhiều chủ gara mua bán xe cũ ở Hà Nội cho biết, từ khi Thông tư 24 có hiệu lực, việc mua bán xe bị đình trệ do không có người đến mua vì khách hàng sợ không làm được thủ tục sang tên.
Bên cạnh đó, các gara cũng không dám mua xe cũ vì không bán được hàng. Trên thực tế, dù không bán được hàng, nhưng hằng ngày các chủ gara phải tiếp nhiều lượt khách hàng đã từng mua xe cũ đến đề nghị hỗ trợ giải quyết thủ tục sang tên xe, trong khi những chủ gara cũng không nắm rõ các thủ tục và cũng không thể liên hệ với chủ xe cũ.
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, từ ngày 15/8 đến 10/9, sau hơn 25 ngày Thông tư 24 của Bộ Công an có hiệu lực, các cơ sở đăng ký phương tiện trên toàn quốc đã định danh cho 50.260 biển số xe ô-tô và 169.437 biển số xe mô-tô. Hơn 16.700 biển số xe ô-tô được chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ. Trung bình mỗi ngày, có hơn 1.000 chủ xe ô-tô đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ, thu hồi biển số.
Từ ngày 15/8 đến 10/9, sau hơn 25 ngày Thông tư 24 của Bộ Công an có hiệu lực, các cơ sở đăng ký phương tiện trên toàn quốc đã định danh cho 50.260 biển số xe ô-tô và 169.437 biển số xe mô-tô. Hơn 16.700 biển số xe ô-tô được chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ. Trung bình mỗi ngày, có hơn 1.000 chủ xe ô-tô đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ, thu hồi biển số.
Theo cơ quan công an, những quy định liên quan đến việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới đã được quy định rõ tại Thông tư 24. Bên cạnh đó, việc xác định tính hợp pháp của phương tiện trong quá trình làm thủ tục còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự, Luật Thừa kế…
Do vậy, để bảo đảm đúng quy định của pháp luật thì việc tiến hành các thủ tục mà cơ quan công an đang thực hiện là điều cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến việc sang tên, đổi chủ. Hiện nay, cơ quan công an đang nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để giải quyết những trường hợp phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người làm thủ tục sang tên xe cơ giới.
Theo các chuyên gia về pháp luật, trong việc thực hiện các quy định của pháp luật luôn có độ trễ và có thể phát sinh những yếu tố gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Đối với việc sang tên phương tiện đã qua sử dụng đang diễn ra hiện nay là việc làm cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý phương tiện và bảo đảm quyền lợi của chính người dân. Tuy nhiên, trong thời kỳ “quá độ” như hiện nay, các cơ quan chức năng cần đưa ra phương án linh hoạt hơn trong giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quyền lợi chính đáng cho người đã mua xe cũ.