Tạo nền tảng đổi mới giáo dục đại học

NDO - Vai trò của đại học công trong thế kỷ 21, chuyển đổi số trong giáo dục đại học, tài chính và tự chủ trong trường đại học, định hướng phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc… là những nội dung được hơn 200 chuyên gia, nhà quản lý đến từ Đại học Indiana (Hoa Kỳ) và Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo mùa hè 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Đổi mới giáo dục đại học (PHER), diễn ra sáng 29/7, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở Hòa Lạc.

Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn, việc thảo luận và tìm ra giải pháp cho từng trường sẽ tạo nền tảng cho đổi mới giáo dục đại học. Với cơ hội gặp gỡ và thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý trong và nước và quốc tế có thể khơi dậy những ý tưởng mới mẻ, những tinh thần đổi mới để đem lại những giá trị thiết thực .

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana Hannah Buxbaum bày tỏ, trụ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc có sự tương đồng với cơ sở Bloomington của Đại học Indiana. Vì vậy, hai cơ sở có thể kiến tạo nhiều cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững và mang lại lợi ích chung cho hai bên trong tương lai bởi trong quá trình xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế, rất cần thiết phải có sự hỗ trợ, đối sánh của một đại học đồng cấp quốc tế.

Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về vai trò của đại học công lập, Giáo sư Lauren Robel từ đại học Indiana cho rằng, để vượt trội trong thế giới hiện nay, các trường đại học cần phải kết nối nhiều hơn và trở nên khác biệt hơn. Bởi lẽ bản chất của nhiều khám phá khoa học đã thay đổi, giảng viên tại các trường đại học nghiên cứu hiện đại cần có kết nối với các nhóm quốc tế gồm các nhà nghiên cứu phù hợp và hợp tác với các cơ sở tiên tiến để liên tục có sự trao đổi và cập nhật. Ngoài ra, các đại học còn cần kết nối với doanh nghiệp tư nhân và các môi trường xã hội của mình, để giải quyết các vấn đề của thị trường, của quốc gia và nâng cao vị thế của cơ sở đại học. Mặt khác, trong bối cảnh khan hiếm nguồn lực đòi hỏi các cơ sở phải phân biệt các sứ mệnh của mình để bảo đảm tạo ra sự vượt trội trong mọi khía cạnh sứ mệnh của mỗi trường đại học.

GS Terrence Mason, Đại học Indiana đề cập đến cơ sở lý luận của thực tiễn quản trị chung trong trường đại học hiện đại, tập trung vào cách các yếu tố chính của mô hình quản trị chung có thể đóng góp vào một môi trường thể chế, trong đó tất cả các bên liên quan đều có cảm giác làm chủ và cam kết với các mục tiêu và ưu tiên của trường đại học. Vai trò tiềm năng của quản trị chung cũng được ông xem xét trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Tạo nền tảng đổi mới giáo dục đại học ảnh 1

Khu giảng đường mới khánh thành của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Tại hội thảo, vấn đề tài chính và tự chủ trong đại học, kỹ thuật lập ngân sách chính mà các nhà quản trị trường đại học có thể tiếp cận để điều chỉnh quyền hạn và trách nhiệm… cũng được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập. Hội thảo cũng mở phiên thảo luận để những đại biểu tham gia tự do đặt câu hỏi cho các chuyên gia từ Đại học Indiana.

Dự án Đổi mới giáo dục đại học (PHER) nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) kéo dài 5 năm, từ 2022 đến 2026, nhằm nâng cao năng lực để ba cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện. Bốn trụ cột của dự án bao gồm: Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy liên kết đại học-doanh nghiệp.

Hội thảo mùa hè 2022 đánh đấu sự kiện khánh thành giảng đường đầu tiên thuộc khu vực tổ hợp HT1-HT2 nằm trong khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Trong đó, tổ hợp tòa nhà HT1 cao năm tầng với hơn 14 nghìn m2 sàn, gồm ba giảng đường 120 chỗ, 18 phòng học từ 50 đến 80 chỗ, 10 phòng thí nghiệm, 90 phòng làm việc khác. Tổ hợp tòa nhà HT2 cao năm tầng, hơn 20 nghìn m2 diện tích sàn với 2 giảng đường 120 chỗ, bốn giảng đường 80 chỗ, 22 phòng thí nghiệm, 11 phòng học, khoảng 100 phòng làm việc với công năng khác nhau. Cả hai công trình HT1 và HT2 là giảng đường đầu tiên đã sẵn sàng đón sinh viên tới học tập tại Hòa Lạc trong tháng 9 năm nay.