Cùng suy ngẫm

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt. Theo dự kiến, tổng cầu dệt may thế giới năm 2024 đạt khoảng 714 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như giá điện, cước vận tải, lương tối thiểu... tăng, sẽ là những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong ba tháng đầu năm nay đạt gần 10 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng đến tháng 6; ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Đây là những tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đơn hàng dệt may mặc dù đã tăng so với cùng kỳ, nhưng giá vẫn giảm, có đơn hàng giảm tới 40-50% so với trước đây. Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị trên thế giới vẫn khó lường, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các chi phí tăng... ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp vẫn trông chờ nhu cầu thị trường khởi sắc hơn.

Theo dự báo, giá bông sẽ giao dịch quanh ngưỡng 90 cent/lb cho tới hết tháng 7, giá xơ sẽ không có nhiều biến động quanh ngưỡng từ 1-1,05 USD/kg. Giá sợi có xu hướng cải thiện từ 10-15%, khi Trung Quốc tăng 55% nhập khẩu so với cùng kỳ, tuy nhiên, đây chỉ là ngắn hạn khi sợi tồn kho của quốc gia này có xu hướng tăng. Cùng với đó, giá sợi Ấn Độ vẫn thấp hơn 10-15 cent/kg so với sợi của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành sợi còn khó khăn khi giá sợi chưa có sự cải thiện và giá bông ở mức cao.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc nâng quy mô ngành dệt và thị trường có dấu hiệu phục hồi, các đơn vị sản xuất sợi có thể tận dụng thời cơ để tìm kiếm đơn hàng từ thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tính toán kỹ lưỡng các phương án mua bông, xơ cho sản xuất.

Có thể thấy, ngành dệt may thời gian tới tiếp tục đón nhận nhiều đơn hàng nhưng giá gia công ở mức tương đối thấp. Doanh nghiệp khối may sẽ có sự phân hóa rõ rệt, trong đó doanh nghiệp mạnh nhận được đủ đơn hàng, nhưng các doanh nghiệp còn yếu, năng suất thấp có thể vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các đơn vị cần thường xuyên bám sát thị trường, khách hàng, kế hoạch sản xuất để ra quyết định nhanh trong việc nhận đơn hàng và chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường trong điều kiện phù hợp với nguồn lực sản xuất của từng doanh nghiệp; chủ động cân đối đơn hàng và kế hoạch sản xuất, bảo đảm giữ được nguồn lực lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất khi thị trường phục hồi.

Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may cần tập trung quản lý hàng tồn kho, công nợ, cân đối dòng tiền để hạn chế các rủi ro về thanh khoản, nhất là cân đối nguồn ngoại tệ nhằm thanh toán các khoản mua nguyên liệu đúng hạn; nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng sản xuất xanh tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn của các khách hàng, thị trường lớn, qua đó tạo được lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.