Theo các đại biểu, khái niệm hợp tác xã được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều thuận lợi và gần gũi với người dân. Việc giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan chưa đánh giá tác động hết được.
Thiết kế chính sách hỗ trợ cần bảo đảm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh
Về một số nội dung cụ thể, Điều 19 của dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, với hàng loạt chính sách hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực, thông tin tư vấn; tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh; thuế, phí và lệ phí; tín dụng, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị…
Cơ bản đồng tình về sự cần thiết phải có các chính sách để hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, song đại biểu Lại Thế Nguyên (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng nội dung các chính sách này cần được cân nhắc sao cho phù hợp với các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, và cũng phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 16 của dự luật này là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị cần có những quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước cơ động hỗ trợ, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải và thiếu hiệu quả, thậm chí trong quá trình thực hiện cũng sẽ phát sinh tình trạng thành lập hợp tác xã mang tính trá hình để trục lợi các chính sách.
Quang cảnh thảo luận ở Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Khoản 2 Điều 17 quy định về những đối tượng tổ chức kinh tế hợp tác được ưu tiên hưởng chính sách hỗ trợ như có nhiều thành viên là người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số hơn; có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn; hoạt động thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước…
Theo đại biểu Mai, quy định như trong dự thảo Luật mang tính chung chung, để có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì phải có định lượng cụ thể, nếu không sẽ dễ phát sinh khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Nghiên cứu, bổ sung tiêu chí phân loại hợp tác xã
Điều 15 của dự thảo Luật quy định về việc phân loại hợp tác xã, theo đó hợp tác xã được phân loại siêu nhỏ, nhỏ vừa và lớn dựa trên 2 tiêu chí: số lượng thành viên chính thức; doanh thu hoặc tổng nguồn vốn.
Đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị phân loại hợp tác xã theo 3 tiêu chí, gồm: số lượng thành viên, tổng số vốn và doanh thu, tương tự như quy định áp dụng đối với phân loại doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đại biểu, bản thân hợp tác xã là một tổ chức kinh tế thì phải có cả nguồn vốn và doanh thu, như vậy mới thỏa đáng.
Quang cảnh thảo luận ở Tổ 12. (Ảnh: DUY LINH) |
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề xuất ngoài phân loại hợp tác xã dựa trên quy mô hoạt động, số lượng thành viên, tổng nguồn vốn, lợi nhuận thì cần nghiên cứu phân loại theo 2 tiêu chí: hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã phi nông nghiệp (trong đó có hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã giao thông, hợp tác xã xây dựng…).
Đại biểu cho rằng, việc phân loại theo lĩnh vực kinh doanh như trên bảo đảm tính khoa học và thuận tiện cho việc thiết kế chính sách đối với từng loại hình hợp tác xã.
Làm rõ căn cứ mở rộng quy định thành viên hợp tác xã là cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) mở rộng quy định thành viên hợp tác xã, Tổ hợp tác là cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Việc hạ độ tuổi nhằm góp phần tăng cường sự tham gia làm thành viên hợp tác xã, Tổ hợp tác.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về sự phù hợp của quy định này với hệ thống pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em… Đồng thời, đề nghị nếu vẫn giữ quy định về độ tuổi 15 tuổi trở lên thì cần giải thích rõ lý do trong dự thảo Luật hoặc các văn bản liên quan.
Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể thêm về thành viên chính thức và thành viên liên kết của hợp tác xã, trong đó có tiêu chuẩn, quyền lợi, trách nhiệm của thành viên liên kết và nghĩa vụ của thành viên tại Điều 76.
Đại biểu cho rằng không nên quy định cứng việc thành viên chính thức của hợp tác xã thì phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, mà chỉ nên quy định khuyến khích là thành viên hợp tác xã sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.