Bài 1: Góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Với số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước, hằng năm, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp 0,7% trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kinh tế tập thể phát huy vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Đánh giá về kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, Nguyễn Tiến Phong nhận định, hiện thành phố có 1.393 tổ hợp tác, 2.261 hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân, tăng 143% so với thời điểm cuối năm 2008, dẫn đầu cả nước về số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong những năm qua, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn. Đa số hợp tác xã được tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã, nội dung hoạt động được mở rộng, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ. Loại hình kinh tế hợp tác ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã mới, hiệu quả.
Đơn cử như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn được thành lập từ tháng 4/2016 bởi một nhóm hộ dân tâm huyết, có kinh nghiệm trồng và chăm sóc rau sạch tại thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Hợp tác xã trồng nhiều loại rau, củ như: Bắp cải, cải bó xôi, cải canh, củ cải tròn, cà chua… theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng hơn 2,8ha nhà màng, nhà lưới; khoan hai giếng công nghiệp lớn và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Để hỗ trợ khách hàng truy xuất nguồn gốc rau, Hợp tác xã lắp đặt ca-mê-ra, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng; đồng thời minh bạch quá trình sản xuất. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hoàng Văn Thám cho biết, xác định rõ sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường cho nên ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ để bảo đảm đầu ra ổn định. Đến nay, hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có sáu sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 830 tấn/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên và người lao động đạt hơn 6,5 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm của hợp tác xã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị, bệnh viện, trường học lớn...
Với quyết tâm làm cầu nối bao tiêu sản lượng rau xanh cho nông dân ở “vựa rau” Bắc Hồng (huyện Đông Anh), năm 2002, bảy hộ dân đứng ra thành lập Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng. 10 năm đầu hoạt động của Hợp tác xã gặp không ít khó khăn về công tác quản trị, bán hàng, xây dựng thương hiệu. Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã thu hút hơn 60 xã viên. Để nâng cao trình độ canh tác của các thành viên, hợp tác xã đã liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức 12 lớp bồi dưỡng, đào tạo về quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên rau, bồi dưỡng kiến thức sản xuất và sơ chế rau an toàn cho hơn 300 lượt xã viên. Hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà sơ chế, nhà bảo quản lạnh, ô-tô vận chuyển, dây chuyền dán tem, đóng gói bao bì sản phẩm mang thương hiệu của đơn vị. Nhờ đó, các sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã cung cấp ra thị trường luôn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, được nhiều bếp ăn khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn đặt hàng. Bình quân mỗi ngày, Hợp tác xã tiêu thụ từ sáu đến bảy tấn rau, củ, quả an toàn cho người dân trong xã và các địa phương lân cận, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Doanh thu của hợp tác xã tăng từ 20 đến 25%/năm. Với những kết quả này, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng vừa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lựa chọn tham gia Đề án nhân rộng mô hình hợp tác kiểu mới, hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025.
Ở lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều mô hình hợp tác xã đạt hiệu quả kinh tế và xã hội cao. Hợp tác xã Vụn Art có cơ sở tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là mô hình kinh tế tập thể do người khuyết tật sáng lập, nhằm đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là một điển hình. 5 năm qua, hợp tác xã đã dạy nghề tranh ghép vải cho 57 người khuyết tật; 25 người khuyết tật thành nghề, được tạo việc làm tại chỗ. Hiện Hợp tác xã có 30 thành viên với mức thu nhập từ 1,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã đóng bảo hiểm xã hội, thuê nhà ở cho thành viên là người khuyết tật ở xa nhà. Giám đốc Hợp tác xã Lê Việt Cường cho biết: "Các thành viên của hợp tác xã không cần góp vốn, mà được góp bằng sức lao động. Từ khi hoạt động, hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương... Quận Hà Đông, Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư máy cắt vải laser tự động để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hỗ trợ về địa điểm sản xuất. Sản phẩm của hợp tác xã đã đến được với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thành phố Hà Nội.
Đổi mới cách làm, ứng dụng công nghệ cũng là giải pháp mà nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp lựa chọn để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Thành lập từ năm 2013 với 10 thành viên, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã liên tục nghiên cứu, tìm tòi đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hợp tác xã đầu tư nhiều máy móc hiện đại vào các công đoạn sản xuất như máy đánh hồ, máy nghiền, lò nung đốt liên hoàn bằng điện, máy in hoa văn… Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường. Đến nay, hợp tác xã bảo đảm việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, hợp tác xã cung ứng 50.000 sản phẩm các loại cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
(Còn nữa)