Sáng 25/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tham dự sự kiện có đại diện cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức doanh nghiệp, tổ chức khoa học trong và ngoài nước; cùng các chuyên gia, học giả về công nghệ thông tin, an ninh mạng, luật pháp…
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Xây dựng chính sách xử phạt vi phạm hành chính của Việt Nam hài hòa với thông lệ quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhấn mạnh, thế giới đang bước vào thời đại không gian mạng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất, hệ thống phân phối, tiêu thụ và biến đổi sâu sắc mọi hoạt động của đời sống con người.
Bên cạnh lợi ích mang lại, không gian mạng cũng đặt các quốc gia trước những nguy cơ, thách thức to lớn về an ninh mạng, nổi lên là: hoạt động tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia, tấn công phá hoại, làm ngưng trệ hoạt động các tập đoàn kinh tế trọng yếu diễn biến nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tình hình lộ, mất, mua bán trái phép thông tin cá nhân của người dùng Internet diễn ra đáng lo ngại; thông tin cá nhân, dữ liệu của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị.
Ngoài ra, hoạt động đăng tải thông tin xấu, độc, sai sự thật, tin giả diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, trong khi hoạt động của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng và bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, từ những yêu cầu cấp bách trên, Bộ Công an đã được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên trong lĩnh vực này.
Việc tổ chức Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về xây dựng chính sách xử phạt vi phạm hành chính của Việt Nam hài hòa với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm nền tảng cho tương lai.
Đề xuất áp dụng mức xử phạt 5% tổng doanh thu năm đối với một số hành vi vi phạm
Trình bày báo cáo trung tâm tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng với các lý do như: hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của nước ta hiện nay còn thiếu lĩnh vực an ninh mạng; tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu chế tài xử phạt hành chính về an ninh mạng; góp phần khắc phục những vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật về an ninh mạng.
Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng được xây dựng trên quan điểm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý và tính khả thi; kế thừa những quy định của các văn bản xử phạt vi phạm hành chính khác còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội.
Ông Bruno Sivanandan, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Đồng thời, Nghị định cũng cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bỏ các quy định không còn phù hợp, kịp thời cập nhật, bổ sung những quy định trong Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cùng với đó, bảo đảm tính công bằng giữa tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về an ninh mạng, minh bạch hóa việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng.
Theo dự kiến, dự thảo Nghị định tập trung quy định các nội dung: xử lý vi phạm hành chính nhằm bảo đảm an ninh thông tin, quy định xử phạt một số hành vi chưa đến mức xử lý hình sự; xử lý vi phạm hành chính nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm hành chính vi phạm quy định liên quan tới phòng, chống tấn công mạng; xử lý vi phạm hành chính vi phạm quy định liên quan triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; và xử lý vi phạm hành chính vi phạm quy định liên quan tới phòng, chống sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự kinh tế, trật tự xã hội.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trong nước, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân phải chịu mức xử phạt cao hơn mức xử phạt tối đa theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính, như phạt 5% tổng doanh thu năm tại Việt Nam đối với một số hành vi vi phạm. Do đó, Bộ Công an mong muốn, nhận được nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), trình bày tham luận với chủ đề “Khuyến nghị xây dựng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng”. (Ảnh: VĂN TOẢN) |
Bốn hành vi vi phạm được Bộ Công an đề xuất áp dụng mức xử phạt 5% tổng doanh thu năm tại Việt Nam, gồm: hành vi để lộ, mất dữ liệu cá nhân sau khi đã chuyển qua biên giới gây hậu quả trên 1.000.000 chủ thể dữ liệu là công dân Việt Nam; hành vi vi phạm từ lần 3 trở lên đối với các quy định tại bảo vệ dữ liệu cá nhân về kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo; hành vi vi phạm từ lần 3 trở lên đối với các quy định về phòng, chống mua, bán dữ liệu cá nhân; hành vi vi phạm từ lần 3 trở lên đối với các quy định về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trình bày tham luận, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm chung quanh việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng có yếu tố xuyên biên giới; khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng; sự cần thiết phải xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng…