Văn bản hướng dẫn cần tường minh để bảo đảm hiệu quả thực thi luật
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội liên quan Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được thông qua sáng 23/6, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ quan tâm đến các văn bản hướng dẫn.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 23/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Nhấn mạnh hệ thống văn bản hướng dẫn là rất quan trọng, đại biểu cho rằng việc chỉ định thầu khi sử dụng tiền nhà nước chỉ nên trong trường hợp cấp bách, hay phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, và điều này phải được làm rõ trong văn bản hướng dẫn.
Đại biểu nêu quan điểm, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thông qua, nhưng không thể kỳ vọng giải quyết được mọi vấn đề trong đầu thầu. Tuy nhiên, luật tạo nên một hành lang pháp lý an toàn, minh bạch, để qua đó làm tốt việc huy động, xử lý những tồn tại lâu nay trong hoạt động đấu thầu.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, với luật này, những vấn đề khúc mắc nhất, nhất là trong lĩnh vực y tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được tiếp thu tương đối cụ thể.
Áp dụng hình thức mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít
“Hy vọng khi luật có hiệu lực, chúng ta sẽ không vướng vào những bùng nhùng, phức tạp trong quy định đấu thầu mà trước đây gặp phải. Quan trọng là các văn bản hướng dẫn, nhất là trong lĩnh vực y tế, cần phải làm rất rõ, tường minh trong các hướng dẫn này. Tất nhiên những nguyên tắc, quy định trong Luật Đấu thầu mới đã rất tiến bộ, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong đánh giá những tồn tại trong thực tiễn để xử lý”, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho biết.
Một vấn đề nữa đại biểu cho rằng cần quan tâm đó là về chỉ định thầu, dù trong luật đã quy định rất rõ nhưng vẫn phải rất cẩn trọng để tránh việc lạm dụng, vận dụng không đúng tinh thần của luật.
Đại biểu khẳng định, đấu thầu phải làm sao minh bạch, công khai, hiệu quả trong việc sử dụng tiền, tài sản nhà nước để mua sắm, chi cho nguồn lực phải đúng.
Góp phần tháo gỡ vướng mắc liên quan đấu thầu
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, sửa đổi luật lần này về mặt bản chất không thay đổi nhiều, ngoài một số chi tiết về quy trình, thủ tục, trong khi chưa mạnh dạn thuyết minh cho thấy rằng đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không phải biện pháp tối ưu.
“Ngay cả lĩnh vực y tế tôi thấy cũng chưa tiếp thu hết tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội xuất phát từ thực tế. Tại sao chúng ta thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất…? Đương nhiên có những lý do khách quan do đứt gãy về nguồn cung sau đại dịch Covid-19 nhưng một trong những lý do đó là đã phải áp dụng Luật Đấu thầu vào quá trình mua sắm, phần nào làm giảm đi sự đáp ứng một cách kịp thời về số lượng cũng như chất lượng đối với các bệnh viện thuộc hệ thống công lập khi bắt buộc phải đấu thầu, trong khi tư nhân họ có đấu thầu đâu mà vẫn làm được”, đại biểu nêu thực trạng.
Cho rằng luật đã sửa đổi nhưng chưa triệt để, chưa hoàn toàn chạm đến cốt lõi của vấn đề, nữ đại biểu cũng nêu quan điểm với những nội dung và áp dụng của luật, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn sẽ tiếp tục.
Bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư
Tuy nhiên, đại biểu cũng đánh giá luật đã tiếp thu một số ý kiến tích cực của đại biểu Quốc hội, thí dụ như quy định về đối tượng chỉ định thầu ngoài việc quy định về cấp cứu còn đưa vào luật những tình thế cấp bách như trong thực tế có nhiều trường hợp mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ những tình huống cấp bách, qua đó mở rộng thêm và quy định cụ thể những trường hợp cần phải chỉ định thầu.
Theo đại biểu, việc chỉ định thầu sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, tức sẽ gần như có ngay kết quả, tuy nhiên sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về “bắt tay”, tiêu cực trong chỉ định thầu, đòi hỏi phải có những quy định rõ ràng về các trường hợp được chỉ định thầu. Đại biểu cho rằng, các nội dung này đã được tiếp thu tích cực trong luật vừa thông qua.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng lưu ý vấn đề các văn bản dưới luật, các nghị định và thông tư, cho rằng đây mới vấn đề có tác động lớn nhất đến quá trình mua sắm ở các đơn vị.
“Trên thực tế, các đơn vị quan tâm nhiều đến nghị định và thông tư chứ không phải luật, luật chỉ là khung”, đại biểu nêu rõ, đồng thời đặt kỳ vọng những thông tư mới được xây dựng trên nền của Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc liên quan đấu thầu trong thời gian qua.
Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân bình đẳng trong đấu thầu
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 23/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đánh giá về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, luật được thông qua lần này có nhiều tiến bộ để gỡ khó cho các hoạt động trong đấu thầu, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công và phù hợp với các luật khác.
Theo đại biểu, luật sửa đổi lần này cũng đã quy định rõ hơn phạm vi, đối tượng, thẩm quyền của các cấp để rút ngắn thời gian đấu thầu, giải phóng các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng bày tỏ băn khoăn về việc các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước phải đấu thầu.
Chưa đồng tình với phương án này, đại biểu cho rằng “sân chơi” của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân phải bình đẳng và hoạt động theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp tự quản lý và bảo toàn vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có sự kiểm tra, giám sát của kiểm toán và các cơ quan liên quan.
Tuy nhiên, việc luật quy định các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (hay còn gọi là F0), 50% vốn nhà nước (F1), công ty con (F2)… phải tuân thủ đấu thầu sẽ làm mất cơ hội kinh doanh, không bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Đại biểu lấy dẫn chứng, có doanh nghiệp cùng một ngành nghề sản xuất thì doanh nghiệp tư nhân không phải đấu thầu, tự thống nhất và thỏa thuận, hợp đồng mua máy về sản xuất, còn doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước phải đấu thầu sẽ khiến lỡ mất cơ hội, chậm trễ trong kinh doanh.
“Việc đưa phương án công ty “con”, công ty “cháu” có vốn nhà nước phải đấu thầu chưa phù hợp với xu thế, định hướng thị trường hiện nay”, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm và cho rằng có nhiều cách để quản lý, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chứ không phải cứ có vốn nhà nước là bắt đấu thầu.
Đại biểu đề xuất với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thì quy định đấu thầu, còn với những công ty chỉ có một phần vốn nhà nước thì nên để họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.