Cuối năm 2019, BVĐK Mộc Châu đạt được hơn 70% phân tuyến kỹ thuật. Trước đây, chưa đến 10 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, thì đến nay, số lượng bệnh nhân nội trú đã tăng lên 16 nghìn. Khả năng chuyên môn và trình độ kỹ thuật của bệnh viện nâng lên.
Xác định chỉ có tiệm cận kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng KCB mới giữ được chân bệnh nhân điều trị tại địa bàn, nhiều năm qua, các bác sĩ tại đây đã tích cực học hỏi nhiều kỹ thuật mới từ tuyến Trung ương như phẫu thuật nội soi, mổ nội soi sản khoa, nội soi tuyến giáp, chăm sóc trẻ sinh non…
Theo ThS, BS Vũ Giang An, Phó Giám đốc BVĐK Mộc Châu, trong những năm qua, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong phẫu thuật nội soi. Riêng năm 2019, BV đa khoa Mộc Châu là bệnh viện duy nhất của tỉnh Sơn La thực hiện được phẫu thuật nội soi tuyến giáp và đến nay đã phẫu thuật được cho 19 ca bệnh. Sáng kiến của Bệnh viện cũng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Với thế mạnh trong chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật cao như phẫu thuật thay khớp háng, nội soi khớp gối (năm 2015), phẫu thuật cột sống, sọ não (từ năm 2016), phẫu thuật nội soi khớp vai, thay khớp gối (từ năm 2019). Đến nay, các kỹ thuật này đã được triển khai thường quy.
Về lĩnh vực sản khoa, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật mổ mở, mổ nội soi về sản, đã làm được thụ tinh nhân tạo. Năm 2016, bệnh viện đã chào đón trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tại đây và đến nay nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đã được can thiệp thành công. Bệnh viện cũng đã nuôi thành công trẻ sinh non chỉ nặng 1kg.
Đặc biệt, từ năm 2020, khi tham gia hội chẩn trực tuyến từ xa qua hệ thống Telehealth với BV Đại học Y Hà Nội, bệnh viện thêm một cơ hội được tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu và có những chỉ định kịp thời với các ca bệnh cần phải chuyển tuyến.
“Sau hội chẩn trực tuyến, có nhiều trường hợp bệnh viện xử lý được mà không phải chuyển tuyến. Trong trường hợp phải chuyển tuyến, cùng với sự tư vấn của các thầy ở đầu cầu Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ trao đổi trước cho bệnh nhân biết rõ tình trạng bệnh tật của mình khi lên tuyến Trung ương”, BS An nói.
BS An dẫn chứng, một bệnh nhi 12 tuổi, dân tộc Dao đã từng được bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật do thiếu một đoạn xương. Tuy nhiên, tình trạng cháu bé cứ liên tục tái viêm xương phải mổ 2-3 lần. Nhờ hội chẩn từ xa, các thầy thuốc tại tuyến Trung ương đã tư vấn cho bệnh viện có thể mổ tại chỗ, đặt xi măng dọc theo xương khuyết, tạo lỗ hổng để 1-2 tháng sau, cho bệnh nhân chuyển tuyến xuống Hà Nội lấy xương mác ghép thành xương chày.
“Như vậy, bệnh nhân chỉ cần một lần đi Hà Nội để phẫu thuật, tiết kiệm cho người bệnh. Với đề án này, người được hưởng lợi nhiều nhất là người dân”, BS An nói.
Đặc biệt, để nâng cao công tác phòng, chống dịch Covid-19, bệnh viện này đã có một số sáng kiến trong việc triển khai máy rửa tay tự động, nghiên cứu phun khử khuẩn tự động tại khu cách ly.
Có nhiệm vụ chính trị là khám, chữa bệnh cho nhân dân 14 xã thuộc huyện Vân Hồ, nhân dân khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu và các vùng lân cận, BVĐK Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, Sơn La hiện đang KCB cho trung bình 90 nghìn lượt bệnh nhân/năm.
BS Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc BVĐK Thảo Nguyên cho biết, những năm qua, bệnh viện cũng đã tiếp cận và triển khai các kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến hiện đại, rút ngắn khoảng cách KCB giữa các tuyến, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân.
Bệnh viện cũng đã tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến như: Phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng phương pháp Laser, tán sỏi ngoài cơ thể, cắt u xơ tiền liệt tuyến, phẫu thuật thay khớp háng bán phần và toàn phần, phẫu thuật sọ não, nội soi đại tràng, nội soi can thiệp tiêu hóa trên, dưới, chụp CT, đo mật độ xương, chụp UIV hệ tiết niệu, chụp Xquang tuyến vú, đặt catheter tĩnh mạch rốn,…
“BV đa khoa Thảo Nguyên là bệnh viện đầu tiên của tỉnh Sơn La triển khai được kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết trong đột quỵ não cấp, cứu chữa được nhiều ca bệnh tại địa phương vì nếu những ca này phải chuyển tuyến cũng đã mất thời gian vàng của can thiệp đột quỵ não”, BS Sỹ cho biết.
Về công tác phòng, chống Covid-19, thời gian qua có một trường hợp vượt biên trái phép qua Cao Bằng, đến Mộc Châu. Mặc dù trường hợp này có hai lần xét nghiệm đều âm tính và đã được cách ly ở cửa khẩu 14 ngày, bệnh viện tiếp tục cách ly 14 ngày bảo đảm an toàn cho toàn tỉnh.
Với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của BV Bạch Mai và BV Nhi Trung ương, BVĐK Thảo Nguyên đã nuôi được trẻ thấp nhất 6,5 lạng. Sau 90 ngày điều trị, trẻ được xuất viện khỏe mạnh. Có trường hợp trẻ sinh ra tám lạng, sau 49 ngày điều trị, trẻ đã có cân nặng tăng lên 1,8 kg.
“Chúng tôi đã triển khai kỹ thuật bơm surfactan điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng”, BS Sỹ cho hay. Bệnh viện đã triển khai được kỹ thuật điều chỉnh thân nhiệt cho trẻ sơ sinh, không cần phải chuyển tuyến.
So với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, BVĐK Mộc Châu và BVĐK Thảo Nguyên đạt hạng 2 nhưng các bác sĩ tại đây đã thực hiện được nhiều phẫu thuật vượt tuyến, như phẫu thuật hạng đặc biệt, hạng 1. Vì thế, tỷ lệ chuyển tuyến tại Mộc Châu, Sơn La đã giảm đáng kể.
Tại BVĐK Mộc Châu, nếu như năm 2019 có 1.450 bệnh nhân chuyển tuyến thì đến hết tháng 11-2020, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống chỉ còn 1.200 người. Còn tại BVĐK Thảo Nguyên, trước đây tỷ lệ chuyển tuyến là 2.200 thì hiện nay, con số này chỉ còn 700-800/năm, chủ yếu chuyển tuyến do tai nạn.