Tạo đột phá về quản lý thị trường

Sau hơn 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn nắm tình hình kinh doanh thuốc, vật tư y tế tại thành phố Lạng Sơn. (Ảnh MINH PHƯƠNG)
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn nắm tình hình kinh doanh thuốc, vật tư y tế tại thành phố Lạng Sơn. (Ảnh MINH PHƯƠNG)

Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp đột phá, tư duy mới, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, tác phong, đạo đức của cán bộ, công chức QLTT, góp phần xây dựng thị trường ổn định, lành mạnh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Hơn 3 năm qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra hơn 350 nghìn vụ, phát hiện, xử lý hơn 220 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước hơn 1.220 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 536 vụ việc, khởi tố 96 vụ. Nhiều vụ việc, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, buôn bán sản xuất hàng giả lớn và nổi cộm đã bị triệt phá. Điển hình như vụ tấn công, triệt phá kho hàng gần 14 nghìn sản phẩm túi xách, ví da các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các hãng Hermes, Gucci, Dior tại Nam Định; kiểm tra, xử lý 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng; vụ tạm giữ hơn 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá hơn 17 tỷ đồng tại Bắc Ninh,...

Tổng Cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho rằng, trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến hết sức phức tạp, nhưng lực lượng QLTT cả nước đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng nhằm xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc lớn, phức tạp đã được lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý nghiêm. Tổng cục đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức và lối sống văn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng. Song công tác QLTT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tình hình thực tế. Các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ và hoạt động tinh vi ngày càng tăng về số lượng, có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Ðáng chú ý, internet, mạng xã hội... đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, lực lượng QLTT còn mỏng nhưng phải quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Nạn chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng QLTT trong tình hình mới là phải chuyển mình mạnh mẽ bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính; từng bước số hóa công tác QLTT, tiến tới xây dựng lực lượng QLTT theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; tạo đột phá trong công tác chỉ đạo, quản lý, nắm bắt địa bàn một cách thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao.

Trong chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3 mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, hiện nay tình trạng buôn lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, mà nguyên nhân là do lợi nhuận hàng lậu mang lại. Đáng chú ý, công tác xử lý chưa triệt để, chưa hiệu quả do phương thức hoạt động, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng rất tinh vi. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT ưu tiên cao kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các mặt hàng người dân đang có nhu cầu cao; mở các đợt tấn công triệt phá các đường dây, ổ nhóm vi phạm nổi cộm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả. Lực lượng QLTT phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình kiểm tra, giám sát, thực thi nhiệm vụ siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, nhất là những cán bộ thị trường hoạt động trực tiếp tại địa bàn.