Tạo đột phá trong giảm nghèo bền vững ở Lào Cai

NDO -

Bám sát, triển khai thực hiện đồng bộ quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhiều năm liền tỉnh Lào Cai đã chủ động, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp giảm nghèo bền vững gắn liền đầu tư phát triển kinh tế, xã hội miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Mở đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi biên giới Si Ma Cai.
Mở đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi biên giới Si Ma Cai.

Chủ trương, giải pháp bám sát thực tiễn

Thực tế cho thấy, mục tiêu nhất quán và có tính đổi mới, kế thừa trong nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lào Cai trong đầu tư phát triển kinh tế, xã hội đã luôn hướng mạnh vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong trao đổi: Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thực trạng, nguyên nhân, tỉnh đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, đưa ra các giải pháp chỉ đạo bố trí nguồn lực tấn công vào lõi nghèo theo từng vùng, địa bàn. Theo đó, tỉnh Lào Cai tập trung nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng và các nhóm dân cư.

Các nhiệm vụ, các chính sách đã được tỉnh tập trung triển khai, gồm nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh; nhóm chính sách hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách nâng cao năng lực về giảm nghèo; nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai). Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai Nguyễn Văn Minh trao đổi, 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 517 tỷ đồng để huyện triển khai các dự án nhằm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang phát triển thế mạnh chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân… Các chương trình, mục tiêu được thực hiện hiệu quả, Si Ma Cai từ huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ nghèo 57%, đến nay giảm còn hơn 13%.

Nhìn trên diện rộng, với những giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững, theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh được triển khai đi vào cuộc sống. Nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa đối với một số loài cây, như chuối, dứa với giá trị thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/ha. 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động gần 5.800 tỷ đồng cho công tác xóa đói, giảm nghèo.

Vai trò, năng lực lãnh đạo, điều hành

Với phương châm “lấy động lực và tư duy dẫn đường cho công tác giảm nghèo” xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2016 - 2020 Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Đề án số 09-ĐA/TU. Theo đó tỉnh tập trung cho mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các nhóm dân cư.

Năm 2019, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Tỉnh dùng ngân sách của tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên với lãi suất ưu đãi để cho vay các hộ tại các xã phát triển kinh tế giai đoạn 2019 - 2025.

Gắn liền quá trình trên, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Nhất là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác này.

Nếu năm 2015, số hộ nghèo ở tỉnh là 18.925 hộ, chiếm 12,11% so với tổng số hộ; đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân gần 4%/năm. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo cả nước (huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai của Lào Cai bình quân giảm 8,6%/năm vượt mục tiêu của Chính phủ là giảm 4%/năm).

Về kết quả đạt được trong giảm nghèo bền vững ở Lào Cai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung trao đổi, trước hết từ vai trò của cấp ủy, chính quyền cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị là yếu tố quyết định. Đối với cấp tỉnh, trong công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực, đồng thời phân cấp trách nhiệm nhiều hơn cho các địa phương; đối với cấp huyện cần gắn trách nhiệm, đưa vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với người đứng đầu; đối với cấp xã cần chỉ đạo sát sao, gắn với hỗ trợ người nghèo tìm giải pháp thoát nghèo phù hợp thực tế…