Tạo đột phá để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

Một trong những điểm nhấn tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20 là “phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm tốp đầu khu vực miền trung”.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra an ninh tuyến biển.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra an ninh tuyến biển.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế tỉnh Bình Định gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định đã kịp thời điều chỉnh chính sách, lãnh đạo toàn diện, xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết, có tính khả thi cao cho nên một số ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế của địa phương.

Để kịp thời thông tin những định hướng, chiến lược, chính sách phát triển trong thời gian tới, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20 đặt quyết tâm đưa Bình Định “trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm tốp đầu khu vực miền trung”. Căn cứ vào những tiềm năng và thế mạnh nào để Bình Định có thể hiện thực mục tiêu này, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Quốc Dũng: Bình Định xuất phát điểm là một tỉnh nghèo của khu vực miền trung, bị chiến tranh, thiên tai tàn phá rất nặng nề. Tuy nhiên, chúng tôi đã vươn lên trở thành một tỉnh khá. Trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, các lãnh đạo tỉnh luôn luôn khát khao, quyết tâm đưa Bình Định nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền trung. Sở dĩ chúng tôi có quyết tâm này dựa trên những căn cứ sau:

Bình Định là mảnh đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên, có rừng, đồng bằng, biển trải dài tới 134 km, có thể trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, công nghiệp của cả nước.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định

Một là, mảnh đất Bình Định nằm ở khu vực chiến lược ở miền trung, lại nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây cho nên là đường ra biển gần nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua cảng biển Quy Nhơn. Đây cũng là một trong những tỉnh có đầy đủ hệ thống giao thông, kể cả đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không với hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ cho nên rất thuận lợi để chúng tôi phát triển.

Hai là, Bình Định là mảnh đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên, có rừng, đồng bằng, biển trải dài tới 134 km, có thể trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, công nghiệp của cả nước. Ba là, con người Bình Định rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó, luôn có khát vọng vươn lên, đặc biệt là luôn đoàn kết, nhất trí để phát triển, có thể biến những ước mơ thành hiện thực.

Vì thế tỉnh đề ra mục tiêu phải đưa Bình Định trở thành một trong những địa phương thuộc nhóm phát triển dẫn đầu miền trung. Đến nay, Bình Định đã đứng ở vị trí thứ 6/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung về quy mô GRDP, hiện đang cố gắng vươn lên thứ 5 và nếu nằm trong tốp 5 thì mục tiêu trên sẽ dần trở thành hiện thực.

Mục tiêu phải đưa Bình Định trở thành một trong những địa phương thuộc nhóm phát triển dẫn đầu miền trung. Đến nay, Bình Định đã đứng ở vị trí thứ 6/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung về quy mô GRDP, hiện đang cố gắng vươn lên thứ 5 và nếu nằm trong tốp 5 thì mục tiêu trên sẽ dần trở thành hiện thực.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như thế nào?

Đồng chí Hồ Quốc Dũng: Trong Nghị quyết đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, chúng tôi đề ra bảy nhóm giải pháp lớn, dựa trên năm trụ cột tăng trưởng và ba khâu đột phá chiến lược. Trong đó, định hướng của tỉnh hiện nay là không ưu tiên hàng đầu cho một lĩnh vực nào mà phát triển cho năm trụ cột lớn. Một là, phát triển công nghiệp, nhưng phải là công nghiệp thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Hai là, phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch phải đi sâu, độc đáo, khác biệt, phải tạo dấu ấn khi du khách đến với Bình Định. Ba là, tăng cường đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển gắn liền logistics, đây là lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho Bình Định, gắn với cảng nước sâu Quy Nhơn và tới đây là cảng Hoài Nhơn.

Bốn là, tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Năm là, tập trung phát triển các chuỗi đô thị gắn với kinh tế biển. Hiện tỉnh đang tập trung phát triển các chuỗi đô thị về phía đông, về phía biển, tạo ra hành lang kinh tế biển. Từ đó, vừa tăng cường sự liên kết giữa các vùng, các địa phương, vừa chú trọng phát huy lợi thế của các khu vực và các địa phương trong tỉnh.

Từ những trụ cột này, tỉnh Bình Định đưa ra ba đột phá là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Dựa vào ba đột phá này để triển khai năm trụ cột và bảy nhóm giải pháp chính, và có thể nói, Bình Định đang đi đúng hướng, bởi những thành quả đạt được trong thời gian qua đã minh chứng và trả lời cho chủ trương của tỉnh là hoàn toàn phù hợp thực tiễn.

Tỉnh Bình Định đưa ra ba đột phá là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Phóng viên: Hiện nay, nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn song mức tăng trưởng của tỉnh Bình Định vẫn đang ổn định và phát triển. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Hồ Quốc Dũng: Trong thời gian qua, có thể nói là khó khăn nhiều hơn thuận lợi bởi chúng tôi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 trong bối cảnh phải đối mặt đại dịch lớn nhất trong 100 năm qua.

Cùng với đó, nền kinh tế thế giới bước vào đợt suy thoái rất lớn, kéo theo đó là những khó khăn trong nước nên việc phát triển kinh tế của tỉnh chưa được như mong đợi. Tuy nhiên, trong giai đoạn này Bình Định vẫn quyết tâm, quyết liệt phát triển, nhờ đó mà trong khi các địa phương chung quanh phát triển tăng trưởng âm thì Bình Định vẫn tăng trưởng dương.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 51.629,8 tỷ đồng, tăng trưởng 4,11% so với cùng kỳ. Năm 2022 tăng 8,57%, cao hơn mức tăng GDP cả nước 0,55% và sáu tháng đầu năm 2023 tăng 6,46% so với cùng kỳ.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt 17.499,8 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 5.722,7 tỷ đồng, đạt 41,9% dự toán năm và bằng 75,2% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh Bình Định hiện xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố trọng điểm miền trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

Thành quả thứ hai là tỉnh đã và đang tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Có thể nói Bình Định là một trong những điểm sáng của cả nước, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá đầu tư rất tốt cho hệ thống hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế…

Trên địa bàn tỉnh Bình Định đang triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam, phía đông giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 24.574,9 tỷ đồng. Các dự án xây dựng lớn được triển khai đã làm cho giá trị xây dựng của tỉnh ước quý II năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ, theo giá hiện hành ước tăng 31,2%; giá so sánh ước tăng 30,7%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2023 giá trị xây dựng của tỉnh ước tăng 24,4% theo giá hiện hành và tăng 21% (theo giá so sánh năm 2010). Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Thứ ba là chúng tôi đã đưa ra các chủ trương phát triển bền vững, không phân biệt thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo để có thể bảo đảm đời sống nhân dân ổn định. Đặc biệt, chương trình nông thôn mới đã hoàn thành ở nhiều địa phương, đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 88/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 77,87%); 17/88 xã đạt chuẩn nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 19,32%); có 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 45,45%).

Thứ tư, tỉnh đã bước đầu hình thành quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, tạo ra hành lang thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài đến với Bình Định. Giờ đây, khách du lịch đã biết đến Quy Nhơn, biết đến Bình Định nhiều hơn so với trước đây. Cuối cùng là những vấn đề an sinh, xã hội, môi trường, an ninh trật tự luôn được quan tâm, chỉ đạo để bảo đảm sự ổn định, thu hút du khách đến với Bình Định nhiều hơn, từ đó góp phần tạo ra sự phát triển và đưa đời sống người dân nâng lên.

Phóng viên: Để tiếp tục thực hiện khát vọng trên, những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển tiếp theo trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí Bí thư?

Đồng chí Hồ Quốc Dũng: Vừa qua, chúng tôi đã thuê những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới làm quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Do đó, định hướng trong thời gian tới vẫn là quyết tâm của tỉnh làm sao để đưa Bình Định nằm trong nhóm tốp đầu của khu vực miền trung.

Định hướng trong thời gian tới vẫn là quyết tâm để đưa Bình Định nằm trong nhóm tốp đầu của khu vực miền trung.

Đó vẫn là năm trụ cột đã chọn, nhưng nội hàm đã khác so với trước đây, đó là gắn với xu hướng phát triển của thời đại. Tỉnh sẽ chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh...

Trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng du lịch tại thành phố Quy Nhơn; các tuyến du lịch trọng điểm: Quy Nhơn-Sông Cầu, Phương Mai-Núi Bà, Quy Nhơn-An Nhơn-Tây Sơn-Vĩnh Thạnh... Đồng thời chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chứ không như giai đoạn trước đây.

Thứ hai là phải tạo được nguồn lực để thực hiện được quy hoạch, dự kiến đến năm 2030 phải huy động nguồn lực của tỉnh và của cả xã hội ít nhất hơn 20 tỷ USD thì mới có thể biến ước mơ, khát vọng thành hiện thực. Thứ ba là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thử thách và phải tạo ra cái mới.

Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển, đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Thứ tư là tiếp tục củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, nhất là hệ thống chính trị cơ sở sao cho đoàn kết, để cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương của tỉnh.

Do đó, cần cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh thành một kế hoạch chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực với các bước đi cụ thể để thực hiện ý tưởng quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện tỉnh đang dốc sức, nỗ lực để làm sao trong giai đoạn 2026-2035 phải tăng trưởng hai con số chứ không phải một như hiện nay. Với những nền tảng cơ sở đã làm trong thời gian qua, tôi tin Bình Định đủ sức thực hiện được tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về những chia sẻ này!