Bình Định gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu

NDO - Sáng 26/7, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).
0:00 / 0:00
0:00
Tại buổi gặp mặt, có 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 166 Mẹ còn sống tại tỉnh Bình Định.
Tại buổi gặp mặt, có 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 166 Mẹ còn sống tại tỉnh Bình Định.

Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết, từ năm 2017 đến nay, Sở đã thẩm định giải quyết chế độ trợ cấp cho 21.157 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có 138 Mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng; 11 liệt sĩ và 19 thương binh, 449 người hoạt động kháng chiến…

Đồng thời, Sở vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp gần 70 tỷ đồng để hổ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho 1.716 gia đình chính sách, tặng 325 sổ tiết kiệm tình nghĩa… Trong đó, 149 công trình ghi công liệt sĩ được các cấp các ngành, quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa với tổng kinh phí trên 180 tỷ đồng, kinh phí Trung ương hỗ trợ sửa chữa các công trình ghi công liên sĩ trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 45 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở cũng thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kịp thời, đầy đủ hơn 32.000 người có công với các mạng; điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đối tượng người có công hơn 15.000 lượt người/năm. Hiện nay, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng chu đáo, suốt đời; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.

Thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 6.173 hộ gia đình có công với cách mạng xây dựng nhà ở. Trong đó, số hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện là 5.288 hộ (xây mới 2.701 hộ, sửa chữa 2.587 hộ). Số hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ từ các nguồn vốn huy động khác là 885 hộ (xây mới 780 hộ, sửa chữa 105 hộ). Đời sống của người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều đồng chí đã có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Bình Định gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng tặng hoa và quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, suốt 76 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng với nhiều điểm mới theo hướng nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi chính sách ưu đãi.

Tại buổi gặp mặt trang trọng và đầy ý nghĩa hôm nay, chúng ta vui mừng được tiếp 76 người có công tiêu biểu đại diện cho 180 nghìn người có công của tỉnh Bình Định. Trong đó, có 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 166 Mẹ còn sống trên tổng số 5.366 Mẹ của tỉnh Bình Định; có 68 đại biểu đại diện cho trên 28 nghìn thương binh, bệnh binh, những người đã anh dũng chiến đấu nơi chiến trường. Trong hòa bình, phát huy bản chất Bộ đội cụ Hồ, các đồng chí đã hòa mình vào cuộc sống, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Đây thật sự là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta.

Hiện nay, các phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh dưới nhiều hình thức như: quỹ đền ơn đáp nghĩa; nhà tình nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, xã hội được nhân lên, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, tiếp tục làm sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, đến nay 100% số gia đình người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; vẫn còn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; cuộc sống của một bộ phận gia đình người có công còn khó khăn. Đây là những điều day dứt trong lòng mỗi chúng ta.

Bình Định gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu ảnh 2

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi gặp mặt.

Nhân buổi gặp mặt, đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể của tỉnh quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Buổi gặp mặt có sự hiện diện của 76 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu được lựa chọn từ các huyện, thị xã, thành phố, là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra còn có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Mỗi ngày, họ vẫn vận động, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội đã trở thành hình mẫu trong cuộc sống đời thường, để không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng tỉnh nhà.