Bình Định chủ động phòng thiên tai

Bình Định là một trong những tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của khô hạn, mưa bão, áp thấp, lũ lụt, sạt lở đất, gió mạnh trên biển… Trước cường độ thiên tai ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chủ động thích ứng các tác động của biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cắt, tỉa cây xanh trên địa bàn.
Công ty cổ phần Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cắt, tỉa cây xanh trên địa bàn.

1/Theo kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Với khu vực chưa thể di dời, được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.

Từ đầu tháng 8, Công ty cổ phần Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã đẩy nhanh việc cắt, tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, công ty đang triển khai cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây như xà cừ, phượng, dầu, me… Đặc biệt là những cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán; cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục… để hạn chế nguy cơ cây gãy đổ do mưa, bão, giông lốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nhận định, thiên tai ngày càng có nhiều diễn biến bất thường và trái quy luật. Do đó, để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó hiệu quả các tình thế thiên tai khắc nghiệt, lãnh đạo tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức kiểm tra, lập phương án ứng phó các diễn biễn cực đoan của thời tiết. Củng cố lực lượng xung kích, quản lý đê, bảo đảm các phương tiện, trang thiết bị và hậu cần cho việc sơ tán dân khi có ảnh hưởng bão, mưa lớn, sạt lở đất… Xây dựng kế hoạch ứng phó các tình huống cơ bản thuộc lĩnh vực các sở, ngành phụ trách. Đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm sự phối hợp trong công tác triển khai thực hiện, phát triển và nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời rà soát, thống kê nhà ở kiên cố, nhà tránh trú cộng đồng, cơ quan, trường học, cơ sở tôn giáo đáp ứng yêu cầu sơ tán dân khi có bão, lũ lụt lớn, sạt lở đất; lập phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở đất và các điểm có nguy cơ cao.

2/Từ đầu tháng 7, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Bình Định đã phối hợp các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật vận hành, sử dụng phần mềm quản lý thiên tai. Phần mềm này được tỉnh Bình Định xây dựng dựa trên việc khảo sát, thu thập thông tin của hàng nghìn hộ gia đình để làm dữ liệu cho công tác phòng chống thiên tai. Trên cơ sở này, ngành chức năng xây dựng phần mềm theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) phù hợp đặc điểm, hoàn cảnh, nguồn lực của từng địa phương, ban, ngành.

Phần mềm quản lý thiên tai tích hợp trong giai đoạn đầu các nội dung ứng phó với bốn kịch bản bão, ba kịch bản lũ theo cấp độ rủi ro thiên tai, với 13 chức năng chính. Với mỗi kịch bản, phần mềm sẽ đưa ra các dự đoán, sự ảnh hưởng của thiên tai tới các hộ dân, sau đó đưa ra xây dựng phương án di dời dân tới các vùng an toàn đã được lên kế hoạch… Căn cứ vào các số liệu dự đoán tình huống, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão sẽ điều phối nhân lực, vật lực, trang thiết bị phù hợp, bảo đảm an toàn cho người và tài sản để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Bình Định Lê Xuân Sơn cho biết, với sự hỗ trợ của phần mềm quản lý thiên tai, các địa phương sẽ sớm có phương án chủ động ứng phó thời tiết cực đoan. Thông tin được dự báo sớm bao nhiêu thì thiệt hại sẽ giảm bấy nhiêu, thông tin càng chính xác thì việc phòng ngừa sẽ càng đạt hiệu quả cao hơn. Hiện, đơn vị đang hướng dẫn các cán bộ phụ trách lĩnh vực phòng chống thiên tai ở các địa phương tiếp cận và sử dụng thành thạo các chức năng để triển khai thực hiện ngay trong mùa mưa bão sắp tới.