Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Kinh tế duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2020, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trung bình 106% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 12,2%/năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2021 đạt 411.261 tỷ đồng (bằng 40,8% so với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội vùng). Hết năm 2021, Hà Nội có khoảng 326.000 doanh nghiệp.
Về phát triển văn hóa-xã hội, thành phố hiện có 88% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa và 72,5% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị, thành phố Hà Nội bám sát quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Bên cạnh đó, phối hợp các bộ, ngành tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, bảo đảm tính toàn diện, tính đặc biệt thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô. Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; khai thác hiệu quả các hành lang phát triển, phát huy vai trò của Hà Nội trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và các hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế…
“Trên cơ sở phân vùng hiện nay, các cơ chế, chính sách phát triển vùng mà Chính phủ đã ban hành thời gian qua, đề nghị Thành ủy Hà Nội đề xuất, gợi mở với Ban Chỉ đạo về các kiến nghị về chức năng, nhiệm vụ chính từng địa phương trong vùng; về phương án phân vùng, tiểu vùng, thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đồng bằng sông Hồng để tăng cường liên kết vùng, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định: “Khi Nghị quyết mới về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới được Bộ Chính trị ban hành, sẽ cùng với Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành định hướng, cơ sở chính trị quan trọng cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững. Điều này sẽ góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội của các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước”.