Tạo động lực phát triển kinh tế từ chương trình OCOP

Sau khoảng ba năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có 97 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là động lực quan trọng giúp Sóc Sơn phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Trung Giãn, huyện Sóc Sơn.
Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Trung Giãn, huyện Sóc Sơn.

Trong 97 sản phẩm OCOP được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận, Sóc Sơn có 31 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao.

Còn nhiều tiềm năng và thế mạnh

Các sản phẩm được công nhận OCOP ở Sóc Sơn là những sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường như: rau hữu cơ Thanh Xuân, nấm công nghệ cao KMS, bánh chưng xanh Hải Yến, chuối tiêu hồng và đu đủ Nam Sơn; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng; nhóm sản phẩm chè an toàn Bắc Sơn, trà thảo dược Tâm Ngọc; nhóm sản phẩm gà vi sinh, thịt lợn trùn quế Bắc Phú; ngô ngọt, măng tây Ngọc Mai; sản phẩm tranh gạo Đông Xuân, bún ngũ sắc Mai Đình...

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Nam Sơn (xã Nam Sơn) Nguyễn Văn Việt cho biết, hợp tác xã chủ yếu trồng chuối tiêu hồng và đu đủ. Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 90 hội viên trồng 20 ha chuối tiêu hồng, liên kết với 100 hội viên trồng 24 ha đu đủ. Năm 2021, sản phẩm chuối tiêu hồng của Nam Sơn được công nhận OCOP 4 sao, sản phẩm đu đủ được công nhận OCOP 3 sao, nhờ đó, giá bán chuối tiêu hồng và đu đủ tăng lên rõ rệt, mở rộng được các kênh tiêu thụ. Cây chuối và đu đủ cho giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho người dân. Sau khi trừ chi phí đầu vào, bình quân 1 ha đu đủ và chuối tiêu hồng cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ngoài 97 sản phẩm đã được công nhận, huyện Sóc Sơn còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Điển hình như: Vùng trồng chè an toàn với diện tích 200 ha tập trung tại xã Bắc Sơn; vùng trồng dưa lê siêu ngọt tại xã Đông Xuân diện tích hằng năm khoảng 40 ha; vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng 310 ha ở các xã Phú Minh, Bắc Phú, Tân Hưng; vùng trồng hoa nhài 128 ha tập trung ở các xã Phù Lỗ, Đông Xuân, Bắc Phú, Tân Minh… Trên địa bàn huyện còn có 18 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao và 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, các sản phẩm nông nghiệp của huyện có lợi thế là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Xác định được thế mạnh này, huyện Sóc Sơn tập trung hỗ trợ tối đa các chủ thể từ khâu tổ chức sản xuất đến quảng bá thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất gắn với tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Đến hết năm 2022, huyện đã thực hiện duy trì, phát triển tám điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào sự phát triển đa dạng và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Huyện Sóc Sơn xác định phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp trọng tâm để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nâng cao đời sống cho người dân. Huyện phấn đấu mỗi năm có thêm từ 10 đến 15 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3-4 sao; đến hết năm 2025, toàn huyện có hơn 100 sản phẩm được công nhận OCOP.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn khẳng định, thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm OCOP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử,... Từ đó, giúp các sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Tiếp tục thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, phấn đấu đến hết năm 2023 có thêm khoảng hơn 20 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sao OCOP. Cơ quan chức năng sẽ tham gia hỗ trợ các chủ thể chương trình kết nối, hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn hiệu, biển hiệu giới thiệu sản phẩm OCOP, phát triển thêm từ 1-2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Sóc Sơn cần tiếp tục đẩy mạnh việc tư vấn, hướng dẫn các chủ thể từng bước hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm OCOP. Đồng thời huyện tạo điều kiện để các chủ thể mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết từng bước tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm mới tham gia OCOP; đẩy mạnh việc tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm… giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP nhiều hơn.