Tạo động lực để cán bộ, giáo viên gắn bó với nghề

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo luôn là nỗi trăn trở của ngành giáo dục cũng như các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã trao đổi với Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) VŨ MINH ĐỨC (trong ảnh) về những cơ chế chính sách, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm cống hiến và gắn bó với nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Tạo động lực để cán bộ, giáo viên gắn bó với nghề

Phóng viên: Đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định thực hiện đổi mới thành công lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay?

Cục trưởng Vũ Minh Đức: Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu giáo viên, trong đó có gần 1,2 triệu giáo viên phổ thông, mầm non. Đội ngũ nhà giáo hiện nay đã có rất nhiều cố gắng, nhất là việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bất cứ một công cuộc đổi mới nào cũng phải đối mặt với những khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn, thách thức đó, các thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực vượt qua và sẵn sàng đổi mới chính mình để thích nghi với các yêu cầu đặt ra. Với khoảng 1,6 triệu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm chăm lo để bảo đảm đội ngũ nhà giáo thật sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Bộ cũng nỗ lực kiến nghị, triển khai nhiều giải pháp để có các cơ chế chính sách chăm lo nhiều hơn cho đội ngũ nhà giáo.

Phóng viên: Một trong những cơ chế chính sách được dư luận xã hội quan tâm là vấn đề chính sách tiền lương và phụ cấp nhà giáo. Theo đồng chí, các chính sách hiện nay đã phù hợp và tương xứng với những đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo chưa?

Cục trưởng Vũ Minh Đức: Thực hiện quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên rất nhiều ưu đãi. Hiện nay, ngoài được nhận tiền lương cơ bản, đội ngũ giáo viên còn được hưởng một số chính sách như phụ cấp thâm niên; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp khu vực; phụ cấp thu hút; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trợ cấp tham quan, học tập; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…

Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện-kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: Phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố. Mặc dù được hưởng nhiều chính sách, chế độ phụ cấp ưu đãi nhưng so với mặt bằng chung, đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn… Nghề giáo với đặc thù thời gian gắn bó với nhà trường khá lớn. Đối với giáo viên mầm non, quỹ thời gian đó trải dài, thời gian làm việc sớm, kết thúc công việc muộn, ít có cơ hội có thêm thu nhập khác. Chính vì vậy, khi thực hiện chính sách tiền lương mới đối với giáo viên mầm non, tiểu học rất cần được Đảng và Nhà nước quan tâm trong thời gian tới.

Phóng viên: Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì để các cơ chế, chính sách đãi ngộ từng bước đáp ứng nhu cầu giúp giáo viên yên tâm cống hiến, tận tâm với nghề?

Cục trưởng Vũ Minh Đức: Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản kiến nghị với Bộ Nội vụ trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất của hệ thống hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp khu vực.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học và nhân viên trường học kiến nghị về thu nhập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, đối với giáo viên mầm non và tiểu học, ngoài việc xếp lương ở vị trí cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp thì sẽ được hưởng ưu đãi nghề ở nhóm cao nhất. Đối với nhân viên trường học, Bộ sẽ nghiên cứu để có phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp ở mức độ phù hợp so với cơ cấu tiền lương của ngành giáo dục.

Phóng viên: Cơ chế chính sách không thể đồng đều giữa các cấp, bậc học. Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc cho nên cần được nghỉ hưu sớm hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Cục trưởng Vũ Minh Đức: Đối với đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non vừa chăm sóc, vừa nuôi dưỡng trẻ, nên việc có một độ tuổi nghỉ hưu hợp lý rất chính đáng. Năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thăm dò ý kiến cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy, trong đó có 96% giáo viên mầm non mong muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Gần đây, trong các văn bản góp ý với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non ở độ tuổi 55.

Trước đó, năm 2022, Bộ cũng đã có văn bản góp ý và đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa nhóm giáo viên mầm non vào nhóm lao động nặng nhọc để có tuổi nghỉ hưu sớm hơn. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục kiên trì kiến nghị việc này với các cấp có thẩm quyền về việc giảm độ tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.

Phóng viên: Với nhiều vấn đề đặt ra trong xây dựng cơ chế chính sách, phát triển đội ngũ nhà giáo ở các cấp, bậc học khác nhau, theo đồng chí, có cần có những chính sách, quy định tổng thể liên quan đội ngũ nhà giáo?

Cục trưởng Vũ Minh Đức: Bước sang thế kỷ 21, trước các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục được coi là nền tảng chuẩn bị cho thế hệ tương lai những năng lực cần thiết. Chìa khóa mở cánh cửa giáo dục đó nằm trong tay nhà giáo và vì thế, nhà giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc xây dựng một bộ luật riêng cho nhà giáo là một mong ước của rất nhiều thế hệ nhà giáo, người lao động trong ngành giáo dục. Trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ và được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội đưa vào chương trình Xây dựng pháp luật năm 2024 việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Có thể nói đây là một bộ luật có tính chất đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo. Các nhà giáo và toàn xã hội đang kỳ vọng Luật Nhà giáo sẽ là cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ làm cơ sở để nhà giáo phát triển nghề nghiệp cũng như cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thu hút đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, dự kiến Luật Nhà giáo gồm năm chính sách và đã được Chính phủ đồng ý thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Với năm chính sách này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức nghiên cứu, rà soát thực trạng, tham vấn các chuyên gia để đề xuất các nội dung cụ thể trong từng chính sách, bảo đảm tính khả thi và góp phần cải thiện chính sách cho nhà giáo.

Phóng viên: Cùng với việc xây dựng các cơ chế, chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kỳ vọng, mong mỏi gì ở đội ngũ nhà giáo trong thực hiện đổi mới hiện nay?

Cục trưởng Vũ Minh Đức: Mọi sự đổi mới của ngành muốn thành công được trước hết phải bắt nguồn từ đội ngũ nhà giáo. Chúng tôi mong muốn trong xu thế đổi mới chung, đội ngũ nhà giáo cần thể hiện sự quyết tâm mới, cố gắng mới, đồng thuận chủ trương đổi mới của ngành để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đổi mới, các thầy cô giáo đặc biệt chú ý cả dạy chữ và dạy người, giúp hoạt động giáo dục đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước cũng như kỳ vọng của nhân dân.

Đối với các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cố gắng tiếp tục kiến nghị với Đảng và Nhà nước những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo cũng như hỗ trợ trong hoạt động nghề nghiệp để thực hiện chủ trương không có bất cứ giáo viên nào bị bỏ lại phía sau.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!