Kết nối, tạo điều kiện để phụ nữ vùng khó khăn khởi nghiệp thông minh

NDO - Ngày 7/12, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị “5 năm Khởi nghiệp thông minh cho phụ nữ-Kết nối và Phát triển”, nhằm tổng kết hành trình hỗ trợ một số phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền bắc nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Tổ chức trao các giải thưởng tặng những học viên tiêu biểu của Dự án tại Hội nghị.
Ban Tổ chức trao các giải thưởng tặng những học viên tiêu biểu của Dự án tại Hội nghị.

Với mục tiêu nâng cao vai trò, quyền lợi chính đáng của phụ nữ trong thời đại 4.0 và thiết thực cụ thể hóa Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, năm 2017, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) triển khai Dự án đào tạo "Khởi sự thông minh dành cho phụ nữ".

Từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2023, Dự án đã hỗ trợ nhiều phụ nữ các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Trong đó, tập trung vào các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... với các nội dung hỗ trợ về nâng cao kiến thức khởi nghiệp, kỹ năng quản lý kinh doanh, phát triển ý tưởng kinh doanh khả thi...

Thống kê của Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua 5 năm triển khai Dự án, đã tổ chức 25 khóa tập huấn tại 18 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, thu hút hơn 1.500 đơn đăng ký và khoảng 900 học viên được lựa chọn tham gia tập huấn.

Từ các khóa tập huấn trên, nhiều học viên đã xây dựng, phát triển thành công ý tưởng khởi nghiệp, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Kết nối, tạo điều kiện để phụ nữ vùng khó khăn khởi nghiệp thông minh ảnh 2

Các diễn giả tham luận tại Hội nghị.

Tiêu biểu, có thể kể đến chị Vi Thị Phương (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) với mô hình trồng chè đồi theo hướng hữu cơ. Khởi nghiệp từ trồng chè sạch, sau khi tham gia Dự án, định hướng sản xuất, kinh doanh của chị Phương đã thay đổi hoàn toàn theo hướng thân thiện với môi trường, phù hợp xu thế canh tác xanh tất yếu của tương lai. Hiện, sản phẩm của gia đình chị Vi Thị Phương đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

Tương tự, với mong muốn mang đến một sản phẩm an toàn, thuần tự nhiên và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hoài (xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã biến cỏ vetiver thành những sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, có mặt tại nhiều sự kiện trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương cũng như Thủ đô Hà Nội.

Kết nối, tạo điều kiện để phụ nữ vùng khó khăn khởi nghiệp thông minh ảnh 3

Đông đảo người dân, đại diện các tổ chức trong và ngoài nước hào hứng với những sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ thụ hưởng Dự án trưng bày bên lề Hội nghị.

Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, kết quả tốt nhất sau 5 năm triển khai Dự án là sau khóa học, các học viên đã biết cách xây dựng kế hoạch kinh doanh.

"Dự án không chỉ mang lại kiến thức hay kỹ năng khởi nghiệp, mà còn góp phần không nhỏ thay đổi tư duy, mở ra nhiều cơ hội để học viên vươn xa hơn trong cuộc sống, sự nghiệp. Học viện Phụ nữ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với phụ nữ trong đổi mới tư duy, hiện thực hóa ước mơ trên hành trình khởi nghiệp vì một xã hội phát triển trên cơ sở bình đẳng, hạnh phúc", PGS.TS Trần Quang Tiến khẳng định.

Kết nối, tạo điều kiện để phụ nữ vùng khó khăn khởi nghiệp thông minh ảnh 4

PGS.TS Trần Quang Tiến phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng "Phụ nữ khởi nghiệp Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống", "Phụ nữ khởi nghiệp Tấm gương nghị lực khởi nghiệp tiêu biểu" và "Phụ nữ khởi nghiệp vì môi trường" tặng các học viên tiêu biểu, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình khởi nghiệp sau tập huấn.

Dịp này, các đại biểu dự hội nghị cũng đã tham quan Trung tâm Hoa Kỳ, tham gia Tọa đàm "Các vấn đề trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp" và Triển lãm sản phẩm của cựu học viên các khóa tập huấn trong khuôn khổ Dự án.