Bước ra khỏi vùng an toàn
Cầm trên tay sản phẩm hồng vành khuyên treo gió của Hợp tác xã (HTX) Nông sản Toàn Thương, chúng tôi không khỏi xúc động khi được thấy hình ảnh 12 địa danh nổi tiếng của xứ Lạng được giới thiệu trên bao bì. Trước khi thưởng thức đặc sản của huyện Văn Lãng, tôi cũng như mọi người sẽ có cơ hội tìm hiểu và tự hào về các di tích lịch sử của dân tộc.
Ý tưởng độc đáo trên được chị Vương Thị Thương, nữ giám đốc HTX người dân tộc Tày triển khai từ năm 2022. Tuy tiền làm bao bì không hề rẻ nhưng giá trị thương hiệu đưa lại rất cao và đáp ứng các yêu cầu để xuất khẩu. Năm 2023, riêng HTX của chị Thương đã chế biến ra 10 tấn hồng thành phẩm, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng.
Là một người phụ nữ năng động, quyết đoán, ít người biết rằng trước đây chị Thương làm giáo viên, có một công việc ổn định. Tuy nhiên, không đành lòng thấy bà con địa phương được mùa hồng nhưng mất giá, hồng chín nhanh chóng hỏng, lời lãi chẳng bao nhiêu, chị Thương đã nghỉ việc giáo viên theo đuổi công cuộc nâng tầm giá trị hồng vành khuyên.
“Sản lượng hồng của Văn Lãng khoảng 8.000 tấn/năm, kinh tế bà con phụ thuộc vào cây hồng rất nhiều, tuy nhiên, chẳng có mấy gia đình giàu lên từ cây hồng. Thấy nhiều người đã chặt giống hồng bản địa để trồng những cây khác nên tôi nghĩ cần phải làm gì đó để giữ được giống quý của địa phương”, chị Thương chia sẻ.
Hồng vành khuyên là giống đặc sản của huyện Văn Lãng, khi vào mùa, chín rộ trong khoảng một tháng nên rất khó tiêu thụ hết, tốc độ hỏng nhanh nên người nông dân trước kia không coi hồng là cây trồng ưu tiên. Tuy nhiên, để thuyết phục bà con làm hồng treo gió cũng không hề đơn giản vì chưa có ai tiên phong làm và thiếu kiến thức. Ngay cả chị Thương sau khi đi dự lớp tập huấn làm hồng treo gió tại Đà Lạt về cũng còn nhiều bỡ ngỡ và không ít lần thất bại.
Bà Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Lãng cho biết: Trước kia chưa trồng hồng, chị em phụ nữ chỉ làm ruộng vườn và ở nhà nội trợ, một số chị em đi làm thuê bên kia biên giới. Đến nay, nhiều chị em phụ nữ đã tập trung trồng hồng vành khuyên treo gió hơn vì hiểu được giá trị cây hồng, đặc biệt là các chị em liên kết sản xuất với HTX Toàn Thương.
Những giọt lệ rơi trong vườn hồng
Chẳng có thành công nào không phải trải qua vất vả, gian nan thậm chí là nước mắt. Và, chị Thương cũng không phải ngoại lệ. Cô gái rắn rỏi đã từng có lúc nghĩ đến chuyện buông xuôi tất cả trở lại làm giáo viên, yên phận thủ thường.
Năm 2021, Thương cùng 7 xã viên thành lập HTX với diện tích hơn 1.000 m2 gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và áp dụng quy trình khép kín từ máy gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói theo công nghệ Nhật Bản... với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Những tưởng với sự chuẩn bị tốt công việc sẽ thuận lợi nào ngờ khó khăn ập đến, HTX non trẻ không chống đỡ nổi, chút nữa đã không thể đứng vững.
“Tôi tưởng đã chuẩn hóa được sản xuất nhưng gặp thời tiết bất thường, độ ẩm cao, một giàn hồng 5 tấn bị rụng hỏng hết. Ngày nào tôi cũng vào nhặt hàng xô hồng đổ đi, có lúc vừa nhặt vừa khóc trong vườn hồng. Thấy vậy, chị em xã viên đã dậy từ sáng sớm dọn hết số hồng rụng đi và nói dối tôi “hôm nay không có hồng rụng”. Sau đó, tôi vô tình xem camera mới biết mọi người đã dọn trước để tôi không buồn, đủ ý chí tiếp tục chiến đấu”, chị Thương nhớ lại.
Vượt qua dông bão, chị Thương cho thấy sự trưởng thành về tư duy sản xuất và kinh doanh. Năm 2022, chị Thương xây dựng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP từ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15-20 ngày. Trong quá trình treo đến ngày thứ 5-7, hồng được massage để tăng vị dẻo tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát.
Chị Thương còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, gắn mã truy xuất nguồn gốc trên tường cây hồng và đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, sau khi tham gia các lớp tập huấn về marketing chị Thương đã đưa hồng vành khuyên treo gió lên sàn thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội tạo ra sự lan tỏa lớn về thương hiệu.
Đến nay, HTX đã có 30 xã viên, 100 lao động gián tiếp, trong đó 80% là phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, 10% lao động khuyết tật; HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ trồng; 2 hộ nghèo được HTX cung cấp phân bón, giống cây trồng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Chị Lăng Thị Nhung, thành viên HTX cho biết: Vườn hồng nhà tôi có khoảng 400 cây, cho thu 2 tấn hồng mỗi vụ, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/vụ. Trước kia mỗi bao hồng chỉ có giá khoảng 30 nghìn đồng giờ lên đến 1 triệu đồng/bao, gia đình tôi khá giả lên nhờ trồng hồng vành khuyên treo gió. Tôi rất cảm phục quyết tâm của Thương đã giúp chị em phụ nữ khẳng định bản thân.
Bản lĩnh phụ nữ khởi nghiệp
Ý tưởng sản xuất hồng vành khuyên treo gió của chị Thương đã tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, kết quả ý tưởng của Thương giành giải nhất chung cuộc.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận xét trong lễ trao giải: Đây là dự án mang lại cho Ban giám khảo rất nhiều cảm xúc, cá nhân Thương có một ý chí rất tuyệt vời. Ở vùng biên giới, chị em phụ nữ đã nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc đời, không chỉ giải quyết sinh kế cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số. Ở khu vực miền núi phía bắc, khó có mô hình nào mà sản phẩm sau khi chế biến có giá trị gấp hơn 20 lần như hồng vành khuyên treo gió.
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Sản phẩm hồng vành khuyên treo gió có những đặc điểm nổi bật như vị ngọt thanh, vỏ mềm hơn và giữ được mùi thơm tự nhiên, màu sắc đỏ đẹp hơn. Sản phẩm của HTX Toàn Thương thường được chọn tham gia các gian hàng của huyện tại hội chợ, sản phẩm tiêu biểu địa phương. Ngay từ khi HTX mới thành lập, huyện đã hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh, đồng thời hỗ trợ HTX quy trình sản xuất, quảng bá sản phẩm, chuẩn hóa bao bì và xây dựng sản phẩm OCOP.
Chị Thương cho biết, hiện tại sản phẩm hồng vành khuyên treo gió đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc và HTX đã có những bước đi ban đầu để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Thailand và Trung Quốc. Ngoài ra, chị Thương còn đang nghiên cứu làm trà hồng từ vỏ quả hồng và tận dụng những quả hồng chín quá để làm rượu hồng. Thương cũng ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp farmstay để khách du lịch trải nghiệm sản phẩm, thắng cảnh địa phương.
Có được thành công như hôm nay, Thương rất biết ơn các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã giúp đỡ về mọi mặt để HTX phát triển, đặc biệt là cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. Bản thân Thương sinh ra trong gia đình có 7 chị em gái, từ nhỏ do định kiến xã hội bố Thương đã “khuyên” các con học ít vì con gái không giúp ích nhiều cho xã hội. Nay, bố Thương đã đi xa, song Thương cũng đã chứng minh cho bố thấy bản lĩnh của người phụ nữ không hề kém cạnh nam giới nếu như có đủ ý chí và niềm tin.