Tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển xứng tầm

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” , văn học, nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan Triển lãm Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X).
Các đại biểu tham quan Triển lãm Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X).

Ngày 29/8, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thành ủy Hà Nội tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia và cũng là trung tâm văn hóa của cả nước. Thành phố có bề dày nghìn năm văn hiến, giàu có về di sản văn hóa; là nơi tập trung số lượng lớn các văn, nghệ sĩ, nghệ nhân; thành phố cũng là địa bàn có ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Hà Nội đã có nhiều chính sách để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện để các nghệ sĩ, nghệ nhân có thể đóng góp xây dựng thành phố, xây dựng con người Hà Nội.

Điều tạo nên sự đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật của Thủ đô chính là việc ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” (trước đó là Chương trình 04).

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc định vị thương hiệu mới cho Thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực “thiết kế sáng tạo” với nền tảng là văn hóa, trong đó các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ quá trình triển khai tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đề xuất, kiến nghị để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định những thành tựu của thành phố đạt được sau 15 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Việc thực hiện Nghị quyết đã thúc đẩy nền văn học nghệ thuật Thủ đô vươn lên, văn học, nghệ thuật đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố.

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai sâu sắc các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Thành phố về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật; hoàn thiện cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của các Câu lạc bộ nghệ thuật văn hóa của các địa phương…