Phát biểu tại buổi lễ, đánh giá về sức lan tỏa, tính đa dạng của các tác phẩm tham dự cuộc vận động, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, mặc dù thời gian vận động ngắn (từ đầu tháng 10/2022) nhưng với tình yêu Hà Nội nồng nàn, các văn nghệ sĩ Thủ đô đã tích cực sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao gửi về Ban Tổ chức.
Tính đến ngày 30/11/2022, Ban Tổ chức đã nhận được 60 tác phẩm dự thi thuộc nhiều lĩnh vực như: điện ảnh, âm nhạc, văn học, sân khấu, mỹ thuật…; từ đó, chọn ra 21 các tác phẩm đưa vào chung khảo và lựa chọn 17 tác phẩm để trao giải thưởng.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, 17 tác phẩm văn học, nghệ thuật được trao giải xứng đáng là những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện sức lan tỏa và tính đa dạng trong sáng tạo, phản ánh được không khí hào hùng của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm lịch sử của quân và dân Hà Nội, góp phần khơi dậy, phát huy hào khí “Thăng Long nghìn năm văn hiến”, truyền thống “Thủ đô anh hùng” của các thế hệ người Hà Nội hôm nay.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải Đặc biệt cho bộ phim tài liệu “Sinh năm 1972” của nhóm tác giả: NSƯT, đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung; nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương; đạo diễn Đào Duy Phúc cùng các quay phim Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Việt Hùng, Phạm Văn Tân.
Bộ phim nói về các văn nghệ sĩ tiêu biểu sinh năm 1972 của các hội chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Ở tuổi 50, những “hạt giống đỏ” ngày ấy đã âm thầm nảy mầm, bật dậy mạnh mẽ để không ngừng khám phá, sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú hơn trầm tích văn hóa, văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.
Trao giải Nhất cho nhà văn Nguyễn Trung Hậu - tác giả truyện ngắn “Tái sinh”. |
Giải Nhất cuộc vận động được trao cho truyện ngắn “Tái sinh” của nhà văn Nguyễn Trung Hậu. Truyện kể về vợ chồng người nước ngoài Jan và Marie là hai nhà nghiên cứu văn hóa của Tiệp Khắc nhắc lại câu chuyện sau 15 năm chiến thắng B52 ở Hà Nội. Con trai họ sinh ra đúng những ngày B52 ném bom hủy diệt Hà Nội. Tác giả đã thành công khi khắc họa đậm nét diện mạo văn hóa Thăng Long - Hà Nội với các di tích lịch sử văn hóa, đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp cốt cách người Việt Nam.
Ban Tổ chức cũng trao 2 giải Nhì cho ca khúc “Bầu trời Hà Nội” (nhạc sĩ Lê Mây) và kịch dài “Bệ phóng” (nhà viết kịch Lê Quý Hiền).
3 giải Ba được trao cho ca khúc “Ngọn lửa mùa đông năm ấy” (nhạc sĩ Cát Vận); tranh “Hà Nội chiến thắng” (họa sĩ Đỗ Trung Kiên); kịch ngắn “Năm mươi năm nói lên sự thật” (nhà viết kịch Trần Chỉnh).
Cùng với đó là 10 giải Khuyến khích được trao cho các tác phẩm: thơ “Đêm Khâm Thiên” (nhà thơ Nguyễn Thạc Lưu); ca khúc “Hà Nội mùa đông năm ấy” (nhạc: Đoàn Nguyên Hiếu, lời: Ngọc Khuê); hợp xướng “Có một Thăng Long” (nhạc sĩ Võ Vang, thơ Đỗ Trung Lai, Võ Vang; ca khúc “Sáng mãi ngọn lửa mùa đông năm ấy” (nhạc sĩ Văn Tiến, lời Cát Vận); ca khúc “Em thêm yêu Hà Nội” (nhạc sĩ Lê Thống Nhất); ca khúc “Hát về anh hùng Phạm Tuân” (nhạc sĩ Phan Nguyên); tranh “Ký ức” (họa sĩ Kim Duy Văn); kịch “Phố Khâm Thiên ngày ấy” (nhà viết kịch Nguyễn Giang Phong); kịch ngắn “Hà Nội – Mùa đông không quên” (nhà viết kịch Nguyễn Thị Vân Kim); kịch “Bức tranh 12 ngày đêm Hà Nội” (nhà viết kịch Phạm Hữu Huề).