Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trường ngoài công lập

NDO - Hệ thống các trường đại học ngoài công lập hiện đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng có những đóng góp rõ rệt vào hoạt động đào tạo của đất nước, tuy nhiên, nhiều trường hiện vẫn còn gặp khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, tuyển sinh,… Giảng viên ngoài công lập cho rằng vẫn phần nào chịu thiệt thòi hơn so với khối các trường công lập.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đại học Phenikaa (Ảnh minh hoạ)
Trường đại học Phenikaa (Ảnh minh hoạ)

Chưa thoát khỏi sự so sánh trường công - trường tư

Hệ thống các trường đại học ngoài công lập qua quá trình phát triển đã có những đóng góp rõ rệt thể hiện qua quy mô, số lượng các trường, lực lượng sinh viên, giảng viên…

Với ưu thế tài chính độc lập, các trường ngoài công lập đều có sự tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

“Cho đến nay đã hình thành những trường đại học được đầu tư bài bản từ khuôn viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo,nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo, phát triển những chương trình đào tạo chất lượng cao, thu hút đầu tư phát triển đội ngũ nhân lực”, GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa nhận xét về vai trò, sự đóng góp của hệ thống các trường ngoài công lập. “Sự đầu tư này góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và các trường ngoài công lập nói riêng.

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trường ngoài công lập ảnh 1

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa

Các trường đại học ngoài công lập đã có những kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu nền kinh tế. Các chính sách của nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đã trao quyền tự chủ cao hơn cho cả trường đại học công lập và dân lập.

Theo GS, TS Phạm Thành Huy, một số trường đại học ngoài công lập được đầu tư bởi các tập đoàn công nghệ, công nghiệp có ưu thế tạo nên sự kết nối. Đặc biệt, với những nhà trường được hỗ trợ từ các tập đoàn kinh tế, đã có sự đầu tư tập lớn tạo môi trường đào tạo, thực hành, nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, giúp sinh viên phát triển kỹ năng, có cơ hội áp dụng kiến thức thực tế, trưởng thành và thành công trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phân biệt của xã hội vẫn còn đang tồn tại, thì các trường đại học ngoài công lập cho rằng còn có cả sự bất bình đẳng trong chính sách giữa giáo dục đại học công lập và tư thục.

Tại buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với các trường đại học, GS, TS Phạm Thành Huy đã nêu ý kiến với Bộ trưởng về chính sách để trường ngoài công lập phát triển.

Theo ông, từ thực tế triển khai điều hành tại Trường đại học Phenikaa cho thấy, hệ thống các trường ngoài công lập còn gặp khó khăn về phát triển khuôn viên, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh một số trường có sự đầu tư đúng hướng quan tâm tới chất lượng và gặp thuận lợi trong công tác tuyển sinh thì phần nhiều trường còn gặp khó khăn.

“Chính sách hiện tại của nhà nước: chính sách về tài chính, đầu tư, đất đai, đầu tư nâng cao năng lực, chính sách tài trợ nghiên cứu, cơ chế thi đua khen thưởng, chế độ vinh danh nhà giáo khối trường ngoài công lập... vẫn còn một số rào cản, khiến các trường này có phần thiệt thòi so với các trường công lập” – GS, TS Phạm Thành Huy cho biết.

Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa đề xuất Bộ trưởng ghi nhận về sự đóng góp của hệ thống các trường ngoài công lập, trên cơ sở đó tiếp tục có những điều chỉnh về cơ chế chính sách, tạo ra sự bình đẳng, tạo cơ hội cho các trường đại học cả công lập và ngoài công lập được đầu tư, phát triển các nguồn lực về đất đai, ưu đãi thuế, các cơ chế chính sách phù hợp.

Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đề nghị cho phép giảng viên các trường ngoài công lập được phép tham gia đấu thấu thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cho đến thời điểm hiện tại các trường đại học ngoài công lập đã phát triển được đội ngũ giảng viên các nhà khoa học rất lớn, gồm các giảng viên, nhà khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Hằng năm các thầy cô cũng có rất nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nên có chính sách để các thầy cô đang công tác tại các trường ngoài công lập được tham gia vào hệ thống thi đua, khen thưởng của Bộ.

"Để nhận bằng khen của Bộ trưởng và các danh hiệu thi đua khác hiện đang là khó khăn của các trường ngoài công lập. Các chính sách liên quan đến danh hiệu nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú, đến thời điểm hiện tại mới rõ ràng đối với các trường công lập. Chưa có hướng dẫn đối với các thầy cô tham gia giảng dạy từ đầu ở trường ngoài công lập mà có đủ điều kiện tham gia" - GS, TS Phạm Thành Huy cho biết.

Nhìn nhận bình đẳng giữa hai nhóm trường

Khẳng định quan điểm là ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết khối trường đại học ngoài công lập đang phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng đóng góp trong hoạt động của ngành về đào tạo chất lượng cao. Có một số trường dù mới mở, thành lập nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh.

"Chúng tôi đánh giá cao hệ thống các trường ngoài công lập, đặc biệt trường khối khoa học, công nghệ, được thành lập và đầu tư của các doanh nghiệp lớn, các trường này có tiềm lực cơ sở vật chất tốt thì đã có được ưu thế của mình so với các trường công, mong các trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai để sớm trở thành cơ sở giáo dục có ảnh hưởng quốc tế có thứ hạng lớn hơn để chia sẻ với hệ thống giáo dục công lập", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên với khối ngoài công lập, kể cả với đại học, phổ thông và giáo dục mầm non, trong đó chính sách quan trọng là ưu tiên về đất đai.

Về cơ chế tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, trong đào tạo giáo viên, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo có Đề án 89 về đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học; không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. Điều này cũng thể hiện quan điểm nhìn nhận bình đẳng giữa hai nhóm trường này.

Bộ trưởng cho biết cũng sẽ lưu ý về cơ chế để giảng viên trường ngoài công lập tham gia các đề tài và nhiệm vụ về khoa học công nghệ.

Bộ trưởng cũng khẳng định, về chính sách thi đua, khen thưởng đang được thực hiện thì không có trở ngại nào đối với trường ngoài công lập. "Có nhiều bằng khen của Bộ trưởng đã gửi cho các trường ngoài công lập".

Riêng về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú thì được thực hiện thông qua kênh các tỉnh, thành phố. Theo danh sách đang thực hiện năm nay thì có nhiều nhà giáo thuộc khối ngoài công lập.

"Quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu không có sự phân biệt công, tư. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần lưu ý về điều kiện để có những nhà giáo xứng đáng được tôn vinh, xét tặng các danh hiệu trên", Bộ trưởng lưu ý.