Phát huy vai trò trường phổ thông ngoài công lập

Những năm qua, số lượng dân cư trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh, nhưng hệ thống các trường phổ thông ngoài công lập (PTNCL) không tăng theo kịp, cho nên xã hội hóa việc phát triển các trường PTNCL là hướng đi đúng nhằm giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em.

Ðể quản lý trường PTNCL, ngoài các nghị định, thông tư, quyết định của các cấp quản lý trung ương, thành phố Hà Nội đã có nhiều quyết định quy định về xã hội hóa giáo dục cũng như các quy chế, quy định hoạt động của loại hình trường học này. Tuy nhiên, việc ra đời, hoạt động của các trường PTNCL cũng còn nhiều vấn đề đặt ra.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, đến tháng 6-2018 có tổng số 157 trường PTNCL và bảy trường phổ thông công lập tự chủ, thu hút hơn 91 nghìn học sinh theo học. Trong đó, gồm 40 trường tiểu học, thu hút gần 32 nghìn học sinh; 22 trường THCS, thu hút hơn 19,7 nghìn học sinh; 95 trường THPT ngoài công lập và bảy trường công lập tự chủ tài chính, thu hút hơn 39,7 nghìn học sinh. Quá trình hoạt động của các trường cho thấy, cơ sở vật chất không ổn định khi toàn thành phố mới có 50% số trường THPT ngoài công lập đã được giao đất, cho thuê đất xây dựng kiên cố; số còn lại phải thuê, mượn địa điểm hoạt động, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, có 30% số trường có dưới ba phòng học bộ môn và thư viện được dùng chung với phòng nghỉ giáo viên, phòng máy tính; 20% số trường thiếu sân chơi, bãi tập; 10% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm…

Ðối với các trường tiểu học và THCS ngoài công lập, mới có khoảng 65% đến 70% được giao đất, cho thuê đất xây dựng kiên cố. Ðáng chú ý, hoạt động của các trường PTNCL của Hà Nội còn nhiều hạn chế, như không thực hiện đúng các quy định về công khai trong giáo dục, về tuyển sinh; thực hiện không nghiêm túc quy định về hoạt động chuyên môn, chưa rõ ràng trong chuyện thu tiền người học…

Ðể trường PTNCL thật sự phát huy được vai trò trong xã hội hóa giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ từ các cấp quản lý, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thành lập cũng như công nhận nhà đầu tư, cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường. Trên cơ sở đó, quy định trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng trong hoạt động giáo dục ngoài công lập.

Về xây dựng đội ngũ, các quy định liên quan hiện nay chủ yếu thực hiện cho các cơ sở giáo dục công lập, vì vậy cần có những quy định cụ thể đối với xây dựng đội ngũ giáo viên trong giáo dục ngoài công lập. Các cơ quan quản lý giáo dục như sở và phòng GD và ÐT cần kịp thời chấn chỉnh các vi phạm của cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong đó, chú trọng khâu hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động, tránh tình trạng các trường sau khi thành lập, tìm mọi cách tuyển sinh, thu phí trái quy định.

Xử lý nghiêm túc, công khai những sai phạm trong việc không bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất dạy học, đội ngũ giáo viên cũng như việc không thực hiện đúng chuyên môn, cắt xén chương trình, nhằm bảo đảm quyền lợi người học. Bởi mục tiêu phát triển hệ thống các trường PTNCL là đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách nhưng phải luôn bảo đảm yếu tố chất lượng trong giáo dục lên hàng đầu…