Cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp đã thực hiện tốt 5 chủ động trong công tác tư tưởng: “Chủ động quản lý tư tưởng, chủ động nắm tình hình tư tưởng, chủ động dự báo tư tưởng, chủ động định hướng tư tưởng và chủ động giải quyết tư tưởng”, để cán bộ yên tâm công tác; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, có năng lực, trình độ chuyên môn, nâng cao sức “đề kháng” để không bị mua chuộc, lôi kéo của đối tượng, bị can, cảnh giác trước những “viên đạn bọc đường”.
Đề cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; nghiêm túc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở đơn vị mình phụ trách. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ, nhất là trong các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ngoài xã hội…
Tăng cường nhận diện nhiều vấn đề nóng, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm tốt hơn công tác tham mưu, chủ công trong phòng ngừa tội phạm tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí; trên tinh thần lấy phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ...
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật gắn với tuyên truyền giáo dục pháp luật để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đặc biệt quan tâm. Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chú trọng rà soát, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Ngân hàng, tài chính, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, giám định, định giá tài sản, tổ chức cán bộ và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân tham gia phòng ngừa tội phạm, huy động sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Bảo vệ người tố cáo, phản ánh tham nhũng, tiêu cực; về cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử… Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong, ngoài ngành công an tổ chức điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án.
Các cơ quan điều tra trong lực lượng công an chủ động nhận diện nhiều vấn đề nóng, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh, điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội, kết luận điều tra đề nghị truy tố, xét xử phù hợp với thực tế, đúng pháp luật nhằm răn đe, cảnh tỉnh chung theo phương châm “tập trung xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tăng tỷ lệ phát hiện các vụ án từ công tác nghiệp vụ, giảm phụ thuộc vào kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Qua đó phát hiện xử lý kịp thời nhiều vụ đại án dư luận quan tâm, điển hình như các vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Xuyên Việt Oil…
Về công tác phòng, chống lãng phí, lực lượng công an bước đầu nhận diện tình trạng và nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân trên một số lĩnh vực; đã chỉ đạo tập trung xử lý một số vụ án gây thất thoát, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng do kéo dài, đội vốn, đầu tư không hiệu quả; lãng phí trong quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản (Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Nam về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên; Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an khởi tố vụ án gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh; khởi tố làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) do bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước)…
Tiếp tục khẳng định quyết tâm, duy trì khí thế, nhịp độ “không ngừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024, nhất là kết quả điều tra, xác minh các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo các vụ án trọng điểm dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của lực lượng.
Từ ngày 15/1/2024 đến 14/10/2024, các Cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 6.777 vụ án, 11.815 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực; trong đó, khởi tố mới 3.496 vụ, 7.354 bị can; đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 3.882 vụ án, 8.265 bị can; hiện đang điều tra 2.410 vụ án, 3.261 bị can. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: đã thụ lý, điều tra 22 vụ án, 605 bị can; đã kết luận điều tra 12 vụ, 486 bị can, hiện đang điều tra 10 vụ án, 119 bị can.
Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra tiếp tục được quan tâm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời phong tỏa, kê biên, tạm giữ nhiều tài sản nhằm thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Điển hình như vụ Xuyên Việt Oil đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa hơn 1.100 tỷ đồng, gần 700 nghìn USD và nhiều tài sản giá trị khác; vụ Phúc Sơn đã thu hồi hơn 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, hơn 1.400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 500 cây vàng SJC...
Để tạo được bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an sẽ làm tốt hơn công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế pháp luật tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; coi phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sớm có biện pháp cụ thể đưa việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ và thực hiện một cách “tự nguyện”, “tự giác”.