Nhìn lại năm 2022

Tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản

Năm 2022 là thời điểm ngành thủy sản Việt Nam phải chịu nhiều áp lực: Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, xung đột Nga và Ukraine kéo dài, gây ra những bất ổn trên thị trường toàn cầu, chi phí đi biển, giá xăng dầu trong nước lên xuống thất thường, đồng thời "thẻ vàng" của Liên minh châu Âu (EC) áp với hải sản đánh bắt vẫn chưa được gỡ bỏ… Tuy nhiên, bằng suy nghĩ, cách làm chủ động, sáng tạo, toàn ngành thủy sản biến "nguy" thành "cơ" và cán đích ngoạn mục.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến cá tra tại doanh nghiệp FDI thuộc Tập đoàn Sao Mai.
Chế biến cá tra tại doanh nghiệp FDI thuộc Tập đoàn Sao Mai.

Đây là năm thứ hai Tổng cục Thủy sản thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm 2022, các chỉ tiêu của ngành đều đạt vượt mức đề ra, giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021 và 3,7% theo kế hoạch (5 triệu tấn); sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021.

Nhân rộng nhiều mô hình nuôi trồng hiệu quả

Trong lĩnh vực nuôi trồng, tiếp tục kiên định với định hướng "tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác", ngành thủy sản đã làm chủ được công nghệ sản xuất, nuôi trồng và nhân rộng nhiều mô hình hay tại nhiều tỉnh, thành phố; tập trung thí điểm, khai thác, sử dụng các lòng hồ. Với diện tích mặt nước lớn, trải rộng khắp tại nhiều khu vực trên cả nước, lòng hồ giúp nông dân bảo đảm, nâng cao sinh kế, đồng thời góp phần giảm việc khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Thủy sản giờ không còn chỉ là tôm, cá tra và khai thác hải sản, chúng ta đã có nhiều biện pháp, kế hoạch nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các sản phẩm thường được coi là thị trường ngách. Tính chung, đến nay diện tích nuôi biển đạt khoảng 9 triệu m³ lồng, bao gồm: 4 triệu m³ lồng nuôi cá biển, 5 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm, tổng sản lượng đạt 670 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2021, góp phần đưa sản lượng nuôi trồng tăng 7% so với năm 2021.

Điểm nổi bật nữa là giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong lịch sử khi cán mốc gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9,0 tỷ USD). Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng là: Tôm nước lợ đạt từ 4,1-4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2021; cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Những đóng góp này có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Đây cũng là nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Trong Chiến lược phát triển thủy sản, ngành thủy sản đặt mục tiêu giảm cường lực khai thác, đồng thời tăng cường quản lý đội tàu. Cả hai mục tiêu này đều có những bước phát triển trong năm 2022. Cụ thể: Sản lượng khai thác đạt 3,66 triệu tấn, giảm 2,0% so với năm 2021; số lượng tàu cá còn 86.585 tàu, giảm 2,9% so với năm 2021. Số tàu cá giảm tập trung vào các loại tàu có chiều dài dưới 15m. Công tác quản lý đội tàu đã vào nền nếp. Bên cạnh đó, ngành ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu.

Năm 2022, Tổng cục Thủy sản quản lý sát sao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi (31.279 giấy phép), đồng thời hướng dẫn 28 tỉnh, thành phố ven biển công bố, quản lý hạn ngạch giấy phép khai thác vùng ven bờ và vùng lộng (67.132 giấy phép). Việc đánh dấu tàu cá hiện đạt 96,5%.

Đến nay, toàn quốc đã có 30 cơ sở đăng kiểm tàu cá đủ điều kiện, trong đó có 5 cơ sở mới công nhận; 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động, gồm: 3 cảng cá loại 1, 60 cảng cá loại 2 và 17 cảng cá loại 3. Trong đó, 53 cảng cá đủ điều kiện triển khai hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, 62 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Song song với đó, 74 khu neo đậu tránh trú bão được công bố, gồm: 16 cơ sở cấp vùng, 52 khu cấp tỉnh và 3 khu khác, đạt tổng sức chứa khoảng 47.000 tàu. Đồng thời, 16/28 tỉnh thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Trong năm 2022, Chi cục Kiểm ngư Vùng I, Vùng V thực hiện 35 chuyến tuần tra tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ; lập biên bản vi phạm hành chính 117 tàu, chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý và trực tiếp xử lý thu nộp ngân sách nhà nước 3,843 tỷ đồng.

Xây dựng không gian phát triển

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành thủy sản là tháo gỡ thẻ vàng IUU. Trong nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn ngành, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Chính phủ phê duyệt Đề án "Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025". Đây là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kiểm tra việc chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố ven biển thời gian qua và Chính phủ ban hành Kế hoạch 6 tháng cao điểm triển khai các hoạt động chống khai thác IUU hồi đầu tháng 12/2022. Tổng cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân kiến nghị, lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Tổng cục trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành thủy sản trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025, đồng thời bày tỏ mong muốn, Bộ sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng lĩnh vực thủy sản theo định hướng, mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản đã xây dựng được không gian phát triển, với nền tảng là Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ không gian này, chúng ta đã xây dựng được bộ khung giải pháp, dự báo được cơ hội và nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức. Đây sẽ là nền tảng để Bộ, Tổng cục Thủy sản tiếp tục công tác chỉ đạo, điều hành để đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong năm 2023, năm được dự báo kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ■