Ðiều đáng nói, ở những địa phương có nhiều KCN-KCX, phần lớn trẻ trong độ tuổi phải trông chờ vào nhóm, lớp mầm non tư thục do trường công lập quá tải. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ GD&ÐT, nhiều nhóm lớp mầm non tư thục thiếu điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, do nhu cầu gửi trẻ cao, ngay tại những trường mầm non công lập ở những khu vực này, sĩ số trẻ trong một lớp cũng vượt quá cao so với quy định. Ðiều này gây áp lực lên hệ thống trường lớp và đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX đến năm 2020" theo Quyết định số 404 (Ðề án 404). Ban điều hành Ðề án 404 Trung ương do Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện Bộ GD&ÐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ðề án triển khai tại 20 tỉnh, thành phố tập trung nhiều KCN-KCX, với 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ, kiện toàn và phát triển. Ðến nay, các mục tiêu của đề án cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nữ CNLÐ có con dưới 36 tháng tuổi và chị em phụ nữ trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2010 - 2020, tăng tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng tuổi ra lớp từ 22% năm 2014 lên 28% vào năm 2020. Ðề án đã tạo hiệu ứng xã hội tốt và mang tính nhân văn sâu sắc, tạo nền tảng, cơ chế tiếp tục phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn nảy sinh, ảnh hưởng tới sự bền vững lâu dài của các nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong quá trình triển khai đề án, nhiều nhóm trẻ giải thể, tạm dừng hoạt động do phải trả mặt bằng thuê, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, dịch Covid-19 tác động. Ðội ngũ giáo viên, người lao động trong các nhóm trẻ không ổn định dẫn đến việc tư vấn, bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức hoạt động cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các nhóm này không có điều hiện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này đóng bảo hiểm xã hội, khiến tư tưởng dao động, không yên tâm gắn bó làm việc lâu dài. Số CNLÐ làm việc tại KCN-KCX thường biến động, kéo theo số trẻ dưới 36 tháng tuổi tại đây thường xuyên không ổn định. Công tác chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách tổ chức thực hiện đề án giữa các tỉnh, thành phố chưa đồng đều. Kinh phí dành cho tổ chức triển khai thực hiện đề án của một số tỉnh, thành phố còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cha mẹ là CNLÐ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do đặc thù công việc theo ca kíp, ngoài giờ hành chính, khó bố trí tham gia đầy đủ các hoạt động truyền thông. Các địa phương còn gặp nhiều trở ngại trong đầu tư cơ sở giáo dục mầm non: thiếu quỹ đất, vướng quy trình, thủ tục tiến hành xây dựng trường mầm non tại các khu đô thị, đặc biệt là khu vực có nhiều KCN-KCX.
Trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực hiện Ðề án 404 giai đoạn 2014 - 2020, Hội LHPN Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục và các hình thức hỗ trợ cha mẹ có con dưới 36 tháng tuổi trong phạm vi cả nước giai đoạn 2018 - 2025. Qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư, hỗ trợ duy trì, nhân rộng các nhóm trẻ tại KCN-KCX; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ trẻ em và cán bộ Hội LHPN Việt Nam trong giám sát nhóm trẻ tại cộng đồng.
Ðể đề án tiếp tục triển khai có hiệu quả cao, thời gian tới, Bộ GD&ÐT cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quản lý đối với nhóm trẻ độc lập tư thục; chỉ đạo các địa phương củng cố, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhóm trẻ đã được đề án hỗ trợ, kiện toàn; tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, giáo viên, bảo mẫu tại các nhóm lớp độc lập tư thục gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Việc ưu tiên quỹ đất xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con CNLÐ tại các KCN-KCX luôn là nhu cầu thật sự bức thiết. Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của đề án giai đoạn trước, có cơ chế hỗ trợ duy trì, phát triển các nhóm trẻ đã kiện toàn, thành lập, xây dựng cơ chế giám sát đối với hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thục theo hướng dựa vào cộng đồng, nhằm tạo cơ chế khuyến khích người dân tham gia giám sát thực hiện Luật Trẻ em tại địa phương. Ðẩy mạnh giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu vực có KCN-KCX; ưu tiên quy hoạch quỹ đất để xã hội hóa, khuyến khích kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp (DN) đầu tư cho giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non. Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo quy mô phát triển, quy hoạch đất dành cho giáo dục, kịp thời đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân. Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho CNLÐ, sự phát triển bền vững của DN mà còn bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.
Quân Phúc