Mặc dù có những thời điểm diễn biến thị trường không thuận lợi, nhưng chính sách tiền tệ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt, giải quyết hài hòa các vấn đề, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chi phí thấp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên cơ sở tiết giảm chi phí, bằng nguồn lực của mình, giảm lãi suất cho vay, tăng nguồn vốn cho các gói tín dụng ưu đãi, tạo “cú huých” cho tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023.
Vốn tín dụng ngân hàng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
Riêng tín dụng bất động sản tính đến ngày 31/5, tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia;...
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, mức tăng trưởng tín dụng đang không đồng đều giữa các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng có mức tăng cao hơn mức tăng chung cả hệ thống, nhưng cũng có tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung, thậm chí có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm.
Điều này cho thấy về tổng thể, cầu tín dụng trong nước chưa phục hồi mạnh mẽ. Nhiều ngành sản xuất, dịch vụ còn gặp những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ ra một số tổ chức tín dụng cấp tín dụng tập trung với tỷ trọng lớn đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp..., đồng thời vẫn còn tình trạng cán bộ tín dụng thông đồng với khách hàng, thủ tục hành chính rườm rà...
Để tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực và đạt chỉ tiêu 15% đặt ra từ đầu năm, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Chính vì vậy, để tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực và đạt chỉ tiêu 15% đặt ra từ đầu năm, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều hành tăng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Những giải pháp này nếu được triển khai tốt sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, song song với nỗ lực của ngành ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc nhiều yếu tố như cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, do đó, những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân về pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi rất cần thiết, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sản xuất, kinh doanh...